Môi trường

Than thở một miền ven đê

Nằm bên chân đê bối sông Hồng, lâu nay Nghi Xuyên (xã Chí Tân, Khoái Châu, Hưng Yên) vốn được coi là miền đất lành, với bờ xôi, ruộng mật. Ấy thế mà những trù phú, yên bình này đã nhanh chóng biến mất khi có bến bốc xếp vật liệu xây dựng được đưa vào hoạt động.

 

Bụi đất phủ kín nhà cửa, đường sá, đồng ruộng và cả nghĩa trang Nghi Xuyên

 

Chùa cũng phải… kêu cứu!
 
Đứng trước những xâm hại của môi trường, cực chẳng đã, Sư trụ trì chùa Cót (Vĩnh An Tự) tại Nghi Xuyên là Thích Đàm Thủy cũng phải lên tiếng. Trong ý kiến bằng văn bản để cùng người dân gửi đến các cơ quan chức năng, Sư thầy Thích Đàm Thủy cho biết: Chùa Cót tọa lạc tại chân đê bối cửa sông Hồng, sát với đường bối giao thông của bến bốc xếp vật liệu xây dựng. Vì vị trí "đặc biệt” này nên vô hình trung Chùa đã trở thành nơi hứng chịu nhiều nhất của tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chở cát sỏi của các phương tiện gây ra.
 
Theo Sư thầy Thích Đàm Thủy, nguyên nhân do các xe hạng nặng vào ra chở cát, sỏi; ban ngày đã khổ nhưng khổ nhất phải kể từ chập tối đến sáng. Các xe vào ra nhấn còi váng óc, cùng với sự rơi vãi của vật liệu. Ở đây, mưa khổ một nhưng gặp trời nắng thì phải khổ gấp mười lần. Cát sỏi rơi xuống đường, gặp gió đã đưa toàn bộ những bụi bặm vào trong nội tự của chùa, ảnh hưởng đến việc thờ cúng và sinh hoạt.
 
Là nơi gửi gắm tâm linh của bà con trong khu vực nhưng bụi bặm và ô nhiễm môi trường đã tạo nhiều cơ khổ cho bà con khi đến đây. Đại diện người dân, bà Nguyễn Thị Nhật ngao ngán: "Đến chùa còn khổ, còn kêu như vậy thì cuộc sống người dân không biết sẽ thế nào nếu chính quyền không nhanh chóng vào cuộc và quản lý các hoạt động khai thác tại đây”.
 
Sa mạc hóa xóm làng
 
Có đến với Nghi Xuyên mới biết tại sao nhà chùa và dân đều phải lên tiếng kêu cứu về môi trường. Theo tỉnh lộ 205, bước vào đầu thôn, đã ngột ngạt vì bụi cuốn, gió bay nơi đây. Đền chùa, nghĩa trang, ruộng vườn… đều nhuốm một màu bụi. Từ xa trông lại, Nghi Xuyên trông không khác gì bị sa mạc hóa.
 
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nhật, người đại diện cho hàng chục hộ gia đình nơi đây đã làm đơn thư kêu cứu gửi các cấp ngành cho biết: Cách đây mấy năm, một bãi bốc xếp và khai thác vật liệu xây dựng đã được hình thành tại xã. Cùng với hoạt động này là sự xâm hại của môi trường và nỗi cơ nhọc của người dân. Hoạt động sản xuất của dân bị ảnh hưởng, khổ nhất phải kể đến những sinh hoạt hàng ngày.
 
Theo ông Nguyễn Văn Bình, một người bị bệnh phổi kinh niên từ khi bến cát được hình thành cho biết: "Từ một miền quê yên lành, thoáng đãng, giờ đây chúng tôi quanh năm phải sinh sống với bụi bặm. Người lớn khổ một, trẻ con khổ mười! Các nhà sát đường suốt ngày phải đóng cửa, nhiều nhà đã phải đem con đi tới gửi nhờ bà con họ hàng, gây tốn kém thời gian và phát sinh rất nhiều phiền toái”.
 
Tới Nghi Xuyên, đâu đâu cũng thấy bụi. Bụi rải thảm từ nhà cửa đến ruộng đồng, nghĩa trang… mới hiểu nỗi lòng khổ ải của người dân nơi đây về môi trường. Đứng trước những vườn chuối, ruộng màu bị phủ kín bụi, ông Nguyễn Khắc Huấn bùi ngùi: "Chúng tôi ở đây, nhà nông, trông vào ruộng. Nhưng từ khi có bãi bốc xếp vật liệu xây dựng, môi trường bị ô nhiễm nên hoa màu và các loại cây khác cũng bị ảnh hưởng về năng suất. Ngoài kém thu thì bệnh tật cũng đang là nỗi lo. Rất mong các cấp ngành quan tâm vào cuộc để giúp đỡ dân!”.   
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Văn Huế, Phó chủ tịch xã cho biết: Hiện tượng ô nhiễm môi trường tại thôn Nghi Xuyên là có thật. Tới đây, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến này lên các cơ quan ban ngành và sẽ xử lý triệt để với những đối tượng có hành vi không tuân thủ các quy định về môi trường nơi đây.
Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo