Thận trọng với tín dụng 'ngoài luồng'
Lãi suất 3 - 6%/tháng
Hoạt động cho vay “ngoài luồng” (không phải ngân hàng) thông thường tập trung xung quanh các khu vực chợ. Chị Hồng, một tiểu thương ở chợ Tân Bình (TP.HCM), cho biết việc vay tiền và trả góp theo tháng hay theo ngày cả vốn lẫn lãi là chuyện thường ngày và hầu như ai buôn bán ở chợ cũng biết. Người vay ít thì 5 - 10 triệu đồng, người vay nhiều có khi vài trăm triệu đồng. Ngày thường ít người vay thì lãi suất (LS) dao động 2 - 5%/tháng, nhưng thời điểm gần cuối năm, số người cần vốn nhiều hơn kéo theo LS cũng tăng lên mức 3 - 6%/tháng, gấp 3 - 5 lần LS cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng thương mại.
“LS cao nhưng không phải muốn vay là được đâu. Phải là người quen biết hoặc được người đã có thâm niên buôn bán, quen với chủ cho vay giới thiệu. Hơn nữa, với những người không quen thì số tiền được vay một lần cũng chỉ dưới 50 triệu đồng”, chị Hồng cho biết. Với mức LS cao như thế nên thông thường các khoản vay chỉ kéo dài thời gian khoảng 2 - 3 tháng.
Không chỉ những tiểu thương ở chợ mới cần vay ngoài để có thêm vốn, mà nhiều cơ sở sản xuất trong thời điểm này cũng phải chạy vạy tìm vốn khắp nơi. Chị Liên, chủ một cơ sở sản xuất may tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết vừa phải vay 300 triệu đồng từ một người chuyên cho vay với LS 3%/tháng để tập trung mua vải may hàng bán dịp tết sắp tới. Đây là mức LS khá hữu nghị vì là chỗ quen biết. “Có mỗi cái nhà thì mình đã thế chấp vay ngân hàng từ năm ngoái để lấy vốn. Giờ cứ cần thêm vốn là phải vay ngoài vì không còn tài sản thế chấp nữa. Biết LS ở bên ngoài cao hơn ngân hàng nhiều nhưng cũng phải chấp nhận”, chị Liên nói.
Đừng để trắng tay vì vay “nóng”
Tại một hội thảo về tài chính mới đây, các chuyên gia kinh tế nhận định tín dụng “đen” ở Việt Nam có thể tới 30% quy mô tín dụng chính thức của hệ thống ngân hàng. Điều này cho thấy nhu cầu của một đại bộ phận người dân về nguồn vốn vẫn còn nhiều mà ngân hàng chính thức không thể đáp ứng được và tín dụng “ngoài luồng” là một thực tế.
Tuy nhiên, trong lúc chờ ngân hàng có chính sách “phủ sóng” toàn bộ các nhu cầu vay vốn, việc sử dụng tín dụng “ngoài luồng” cần hết sức thận trọng. “Vay phải trả lãi cao, đôi khi buôn bán ế ẩm không đủ tiền để trả góp thì càng khó khăn nhưng đã theo con đường buôn bán thì vẫn phải làm. Nhiều người vì vay quá nhiều mà cuối cùng phải bán tất cả mọi thứ để trả nợ vay, kể cả nhà cửa, sạp hàng”, chị Hồng chia sẻ.
Theo một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM, rất khó để ngăn chặn và quản lý tín dụng “ngoài luồng”. “Điều quan trọng là người đi vay phải cẩn trọng. Hiện nay kinh tế của Việt Nam vẫn chưa khởi sắc nhiều nên rất khó dự báo được tình hình tiêu thụ hàng hóa dịp Tết Âm lịch 2014 sẽ tăng ra sao. Vì vậy, bản thân các cơ sở sản xuất, những người kinh doanh nhỏ lẻ càng khó dự báo chính xác để chuẩn bị nguồn hàng, nên đừng quá mạo hiểm vay vốn tăng hàng dự trữ quá nhiều. Chỉ nên dự trữ nguyên phụ liệu và hàng hóa ở mức vừa phải, tránh trường hợp hàng tồn kho nhiều trong khi tiền lãi vay vẫn phải trả hằng ngày, hằng tháng sẽ là một gánh nặng khó chống đỡ cho mình và gia đình”, chuyên gia này khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước