Tháng 10, hơn 18 nghìn tỷ đồng đã vào trái phiếu
Tháng đầu tiên của quý 4 năm 2013 tiếp tục duy trì được sự sôi động của 2 tháng liền trước (8 và 9) trên thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp và có sự cải thiện rõ rệt ở thị trường trái phiếu thứ cấp.
Theo thống kê mới nhất vừa được công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, thị trường trái phiếu sơ cấp khá sôi động trong tháng 10 với khối lượng huy động tăng 72,4% so với tháng 9. Riêng thị trường giao dịch thứ cấp, lượng giao dịch tăng 65,3% khối lượng và tăng 60,8% về giá trị.
Lượng huy động tăng 72,4%
Diễn biến của các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 10 không có gì đặc biệt. Mặc dù lượng trái phiếu huy động đã tăng 72,4% so với tháng 9 song vẫn bị chê là ảm đạm. Kết quả của toàn bộ các phiên đấu thầu cho thấy tỷ lệ huy động thành công không đạt 100%, ngay kể cả các phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước - vốn được xem là được nhiều thành viên ưa thích.
Tổng khối lượng trúng thầu của 11 phiên là 18.481 tỷ đồng, chỉ bằng 46,7% so với tổng nhu cầu cần huy của cả tháng 10 (39.500 tỷ đồng), dù lượng đăng ký đấu thầu vượt 18,1%.
Cụ thể, qua 11 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ được tổ chức trong tháng 10, Kho bạc Nhà nước huy động được 12.516 tỷ đồng (tăng 60,8% so với tháng 9), Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 5.965 tỷ đồng (tăng 207,4% so với tháng 9). Riêng trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội, tình trạng đóng băng như tháng 9, nghĩa là không huy động được chút nào trong tháng 10, mặc dù trong tháng 8 lượng huy động đạt ở mức 400 tỷ đồng.
Khối lượng dự thầu vẫn chủ yếu tập trung vào các kỳ ngắn hạn, các kỳ dài hạn không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại. trong tổng khối lượng trúng thầu 18.481 tỷ đồng, trái phiếu kỳ hạn 2 năm vẫn chiếm chủ yếu (13.380 tỷ đồng, chiếm 72,39%), trong khi đó các kỳ hạn khác chỉ đạt ở mức khiêm tốn. Trái phiếu trúng thầu của các kỳ hạn 3 năm, 5 năm và 10 năm lần lượt là: 4.280 tỷ đồng (chiếm 22,71%), 635 tỷ đồng (chiếm 3,43%), 186 tỷ đồng (chiếm 1%).
Lãi suất huy động của trái phiếu các kỳ hạn cũng tăng nhẹ trong tháng 10. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm dao động trong khoảng 7,20-8,45%/năm (trong khi lãi suất cùng kỳ hạn này trong tháng 9 dao động trong khoảng 7,45-8,44%/năm và tháng 8 là: 7-7,95%); lãi suất trái phiếu 3 năm trong khoảng 7,54-8,65%/năm (trong khi lãi suất kỳ hạn này trong tháng 9 là 7,80-8,70%/năm và tháng 8 là 7,45-8,3%); lãi suất kỳ hạn 5 năm là 8,45-9,10%/năm (trong khi lãi suất cùng kỳ hạn trong tháng 9 là 8,50-9,10%/năm và tháng 8 là 9,1%), lãi suất kỳ hạn 10 năm là 8,89-9,20%/năm (trong khi cùng kỳ hạn này trong tháng 9 là 8,90-9,20%/năm và tháng 8 là 8,9%).
Theo giới phân tích, từ cuối quý 2 năm nay, lợi suất trái phiếu liên tục giảm đã làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ và sự quan tâm của các nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, do năng lực hấp thụ tín dụng của nền kinh tế vẫn đang còn ở mức rất thấp, vấn đề nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro lớn làm nhiều ngân hàng thương mại phải tìm lối thoát cho dòng tiền và trong bối cảnh như vậy thì trái phiếu Chính phủ vẫn được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn, nếu so với các kênh đầu tư khác.
Vì vậy, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, diễn biến thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục đi ngang trong thời gian tới và sức cầu đầu tư vào các loại giấy tờ có giá này sẽ ổn định vào cuối năm.
Giao dịch thứ cấp được cải thiện
Ngược với tháng 9, giao dịch trên thị trường trái phiếu thứ cấp có sự cải thiện rõ rệt hơn. Nếu như trong tháng 9, lượng trái phiếu Chính phủ giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường (outright) giảm hơn 50% thì trong tháng 10 đã phục hồi với mức tăng hơn 60% so với tháng 9. Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt hơn 158,6 triệu trái phiếu (tăng hơn 65%), tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 16.884 tỷ đồng (tăng hơn 60%), chủ yếu tập trung vào các trái phiếu có kỳ hạn còn lại 12 tháng, 2 năm, 3 năm, và 3-5 năm.
Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt 59,2 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 5.963 tỷ đồng. Trong đó, giá giao dịch trái phiếu chính phủ bảo lãnh (trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) theo phương thức outright đạt hơn 2.091 tỷ đồng, theo phương thức repos đạt hơn 1.358 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức outright đạt 3.311 tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright đạt 3.421 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bán của nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức repos đạt 53,2 tỷ đồng.
Trên thị trường tín phiếu thứ cấp tháng 10, khối lượng giao dịch tín phiếu Kho bạc theo phương thức giao dịch outright đạt 7,9 triệu tín phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 762 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch trái phiếu Kho bạc theo phương thức giao dịch repos đạt 1 triệu tín phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 95,7 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch mua trái phiếu Kho bạc của nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức outright đạt 209,9 tỷ đồng, giá trị giao dịch bán outright đạt 552,7 tỷ đồng. Không có giao dịch trái phiếu Kho bạc của nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức repos.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu
Rạng Đông Holding RDP bị nhắc nhở chậm công bố thông tin
Giá heo hơi ngày 2/11/2024: Tăng, giảm trái chiều tại miền Bắc và miền Nam
CEO Adsota gợi ý 'chìa khóa' giúp các chiến dịch marketing du lịch thành công
Giá ngoại tệ ngày 2/11/2024: USD tăng lên mốc 104,32 điểm
Giá nông sản ngày 2/11/2024: Vì sao cà phê và hồ tiêu đồng loạt giảm giá?
Cột tin quảng cáo