Tháng 12, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định trần lãi suất
Chiều ngày 29/11/2012, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại phiên họp, một số thành viên Chính phủ đã có ý kiến, ngoài việc tiếp tục kiềm chế lạm phát, cần phải có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, cần tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế; đồng thời rà soát lại tình hình tồn kho, đề xuất giải pháp, cơ chế, phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho. Quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong tháng 12 và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý tạo đà cho năm bản lề 2013, trong đó tập trung vào một số giải pháp:
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô; xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.
Tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu về ngoại tệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong dịp cuối năm.
Đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống; thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu nhằm góp phần ổn định, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân, tăng tổng cầu nền kinh tế.
Rà soát các khoản thu, tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước; quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hạn chế bổ sung nhiệm vụ chi ngoài kế hoạch. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công.
Rà soát, kiểm tra các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; đối thoại với doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, đồng thời, rà soát lại tình hình tồn kho, đề xuất giải pháp, cơ chế, phù hợp để hỗ trợ tiêu thụ, xử lý hàng tồn kho.
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở nhằm vừa bảo đảm cuộc sống của người dân vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và đẩy mạnh việc tiêu thụ nhóm hàng vật liệu xây dựng tồn đọng.
Chính phủ cũng yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, điều hành thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng; chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xử lý nghiêm và công khai các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá. Kiểm tra, thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; thúc đẩy xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Nâng cao chất lượng công tác thông tin, dự báo về thị trường thế giới....
Cũng trong chiều ngày 29/11, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, chiều Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5% và sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội, thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Như vậy, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát.
Việc có quy định lãi suất trần huy động hay không, hay quy định lãi suất cơ bản, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì để ngay trong tháng 12 này, phải lên phương án điều hành cụ thể. Chính phủ đã có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước là phải có phương án cụ thể để kéo lãi suất xuống cho sát tình hình diễn biến của lạm phát, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Việt Huế (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo