Thẳng tay loại doanh nghiệp vận tải “hạng lông”
Các doanh nghiệp “hạng lông” quy mô vài đầu xe sẽ bị loại dần khỏi thị trường vận tải đường bộ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông.
Nhỏ đồng nghĩa với kém?
“Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, taxi và vận tải hành khách theo tuyến cố định tới đây sẽ phải đáp ứng được quy định về số lượng xe kinh doanh tối thiểu mới được tham gia lĩnh vực này”, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.
Cụ thể, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 91/2009/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông - Vận tải đang tiến hành xây dựng, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải container phải có tối thiểu 5 xe vận tải trở lên.
Các đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh và taxi phải có tối thiểu 10 đầu xe vận tải. Riêng với các doanh nghiệp và các hợp tác xã có trụ sở thuộc địa bàn các tỉnh miền núi thì tối thiểu cũng phải có 5 xe.
Theo ông Hùng, cần phải đưa ra quy định cụ thể để một đơn vị vận tải có thể đáp ứng được các quy định của pháp luật về các điều kiện, kinh doanh và đảm bảo an toàn giao thông.
Hiện nay, do chưa quy định cụ thể về số lượng xe tối thiểu cần có, quy mô tối thiểu của doanh nghiệp, nên các điều kiện kinh doanh vận tải - vốn rất thiết thực đối với kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, chỉ được thực hiện một cách hình thức và mang tính đối phó.
Chia sẻ với nhận định này, ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Pháp chế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định: “Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp vận tải quá nhỏ bé, không thể đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về điều kiện an toàn giao thông. Việc quy định quy mô cũng sẽ có lộ trình để các doanh nghiệp thích ứng hoặc chuyển đổi”.
Cần phải nói thêm rằng, kết quả kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về vận tải đường bộ tại 18 tỉnh, thành phố do Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành hồi cuối tháng 9/2013 cho thấy, số lượng hợp tác xã có quy mô từ 1 - 3 xe chiếm tới 50% lượng doanh nghiệp vận tải và tình trạng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ diễn ra đặc biệt phổ biến tại các hợp tác xã vận tải quy mô nhỏ.
“Phần lớn các đơn vị vận tải chưa quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông, trong đó nhiều hợp tác xã vận tải không có bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông, hoặc có bộ phận theo dõi nhưng không hoạt động theo quy định của Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Ngoài lỗi vi phạm quy định về an toàn, công tác quản lý điều hành tại nhiều doanh nghiệp vận tải quy mô nhỏ cũng rất yếu kém. Kiểm tra 5 đơn vị vận tải tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì có tới 3 đơn vị ký hợp đồng lao động với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe chỉ là hình thức; không quản lý lái xe, nhân viên phục vụ; không trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội cho lái xe, nhân viên...
Quy mô bao nhiêu là đủ?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tối thiểu doanh nghiệp vận tải phải có 20 đầu xe trở lên, chứ quy định ở mức 10 xe chưa giải quyết vấn đề gì. Với vận tải container, không phải quá bó buộc như vận tải khách, nhưng cũng cần quy định quy mô ở mức lớn hơn, chứ 5 xe là quá manh mún.
“Doanh nghiệp dứt khoát phải đủ lớn để có bộ máy điều hành tập trung, có thể ứng dụng các tiến bộ về quản lý, khoa học công nghệ, an toàn giao thông, nếu không thì vận tải không thể phát triển được. Vận tải container cũng cần phải quy tụ lại, không thể để như bây giờ’, ông Thanh đề xuất.
Lý giải về việc “chốt” mở mức 10 xe đối với vận tải khách và 5 xe đối với xe container, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, đưa ra quy định tối thiểu như vậy để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có điều kiện tích tụ, sắp xếp lại. Nếu quy định quy mô lớn hơn nữa, thì số lượng doanh nghiệp phải sắp xếp lại sẽ quá nhiều, nhưng nếu quy mô nhỏ hơn sẽ lại không đảm bảo quản lý điều hành tập trung và an toàn giao thông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩ Đức (Công ty cổ phần Vận tải khách Thái Bình) cho rằng, doanh nghiệp phải có 20 xe trở lên mới có thể đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải.
“Làm ăn quy mô đó mới có lãi để quan tâm đến tập huấn tay nghề, giáo dục văn hóa ứng xử cho lái xe, tích lũy kinh nghiệm điều hành xe, điều hành doanh nghiệp, đầu tư đổi mới phương tiện”, ông Đức nói.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo