Môi trường

Thanh Hóa: Biển Quảng Cư bị xâm thực nghiêm trọng

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng nước biển dâng, trong khoảng bốn năm gần đây, bờ biển thị xã Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) thường xuyên bị biển xâm thực, đặc biệt khu vực bờ biển Quảng Cư.

(TTXVN) Bờ biển bị xâm thực kéo dài từ cửa sông Mã (địa phận thôn Lạch Hới, xã Quảng Cư) đến khu vực đền Độc Cước, núi Trường Lệ có chiều dài khoảng 6km. 


Hơn 4km rừng phòng hộ ven biển xã Quảng Cư đang đứng trước nguy cơ mất trắng bởi tốc độ xâm thực ngày càng mạnh của triều cường. Riêng cơn bão số 6 vừa qua đã tiếp tục nuốt gọn hàng chục nghìn mét vuông bờ biển xã Quảng Cư, cuốn trôi nhiều công trình đê, kè, và 1,2ha rừng phi lao với khoảng 1.500 cây phi lao to ra biển. Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nhà bởi sự xâm thực ngày càng khốc liệt của biển cả.

Theo thống kê của ngành chức năng thị xã Sầm Sơn, từ năm 2005 đến nay, tình trạng sạt lở ở khu vực trên đã lấn sâu vào đất liền từ 30-100m, nhưng mạnh nhất là bốn năm trở lại đây, có những nơi ăn sâu vào hơn 200m. Tại xã Quảng Cư và phường Trung Sơn, trong nhiều năm qua đã có hơn 10ha nuôi trồng thủy sản bị xóa sổ, hàng trăm ha đất canh tác bị nhiễm mặn; hơn 1,5ha rừng phi lao ven biển, 20ha đất rừng phòng hộ bị nước biển xâm thực, tàn phá. 

Bờ biển sạt lở đã gây thiệt hại cho rừng phi lao phòng hộ ven biển và thu hẹp địa giới chính của thị xã Sầm Sơn, đe dọa nghiêm trọng đến hàng trăm hécta nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, tài sản và hoạt động du lịch của thị xã Sầm Sơn. 

Theo ước tính, mỗi năm thị xã Sầm Sơn thiệt hại hàng tỷ đồng vì biển xâm thực, trong đó thiệt hại được thể hiện rõ nét ở khu du lịch Vạn Chài resort. Nếu không xử lý sạt lở kịp thời, gần 3km bờ biển còn lại của Sầm Sơn sẽ bị nước biển xâm thực sâu vào đất liền

Trước thực trạng trên, thị xã Sầm Sơn chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với trạm đo sóng và các chủ hộ nuôi trồng thủy sản xã Quảng Cư thường trắc theo dõi để xác định phạm vi, quy luật sạt lở của biển. Kết quả cho thấy hiện tượng sạt lở bắt đầu từ năm 1998, các đợt sạt lở nghiêm trọng vào lúc triều cường và gió lớn kết hợp với sự tàn phá của bão gây nên, chỉ tính riêng cơn bão số 7 năm 2005 biển đã xâm thực vào đất liền hơn 100m.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Cư Ngô Hữu Bàn cho biết trước tình hình biển xâm thực ngày càng mạnh, chính quyền xã cũng chỉ biết huy động sức dân, dùng cọc tre, bao tải cát, thậm chí đổ cả bêtông gia cố để giữ đất, giữ rừng, nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện. Thiệt hại không chỉ dừng lại ở đấy, nước biển tràn vào đã khiến diện tích đất nông nghiệp vốn đã ít ỏi của bà con bị nhiễm mặn nghiêm trọng, không thể canh tác, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh tái nghèo. Nếu không có sự can thiệp và xử lý kịp thời của các cấp, các ngành chức năng thì tình trạng bờ biển bị xâm thực sâu vào đất liền vẫn sẽ xảy ra.

Ông Hoàng Văn Truyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn cho biết: “Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã về khảo sát tình hình và đã có quyết định đầu tư xây dựng công trình xử lý sạt lở bờ biển Sầm Sơn với tổng chiều dài hơn 3,5km. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư 180 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu với tổng chiều dài trên 1,4km. Tuy nhiên nguồn kinh phí còn lại là 420 tỷ, với tổng chiều dài hơn 2km hiện vẫn chưa có kinh phí thực hiện dự án.

Trước thực trạng biển xâm thực tại xã Quảng Cư, Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn đã có văn bản đề nghị tỉnh và trung ương khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến đê sông Quảng Tiến, Quảng Cư./.
 
 
Duy Hưng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo