Thanh Hóa có thêm thành phố mới
Sáng 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp xem xét, cho ý kiến về quyết định việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn, đồng thời thành lập TP. Sầm Sơn trên cơ sở thị xã Sầm Sơn.
Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa đã nêu phương án thành lập 4 phường và TP. Sầm Sơn.
Cụ thể, thành lập phường Quảng Cư trên cơ sở toàn bộ 6,42 km2 diện tích tự nhiên và 11.403 người của xã Quảng Cư. Thành lập phường Quảng Châu trên cơ sở toàn bộ 7,99 km2 diện tích tự nhiên và 9.217 người của xã Quảng Châu. Thành lập phường Quảng Thọ trên cơ sở toàn bộ 4,69 km2 diện tích tự nhiên và 8.472 người của xã Quảng Thọ. Thành lập phường Quảng Vinh trên cơ sở toàn bộ 4,73 km2 diện tích tự nhiên và 10.300 người của xã Quảng Vinh.Đồng thời, thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa trên cơ sở toàn bộ 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Sầm Sơn (sau khi thành lập 4 phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh).
Sau khi thành lập, TP. Sầm Sơn có 44,94 km2 diện tích tự nhiên, 150.902 người và 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại).
Bên cạnh đó, sau khi thành lập 4 phường và TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa giữ nguyên số lượng đơn vị hành chính cấp huyện (27 đơn vị) và cấp xã (635 đơn vị), nhưng có chuyển 1 thị xã thành 1 thành phố (từ 1 thành phố, 2 thị xã và 24 huyện, thành 2 thành phố, 1 thị xã và 24 huyện) và chuyển 4 xã thành 4 phường (từ 30 phường, 28 thị trấn và 577 xã, thành 34 phường, 28 thị trấn và 573 xã).
Chính phủ khẳng định, việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn không làm tăng tổ chức, biên chế cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã do tỉnh Thanh Hóa quản lý. Ước tính nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 cho Sầm Sơn khoảng 12.819,32 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương là 332,5 tỷ đồng (chiếm 2,6%); từ ngân sách địa phương là 2.145,04 tỷ đồng (chiếm 16,72%); vốn từ doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác 10.341,78 tỷ đồng (chiếm 80,68%).
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhất trí với đề án của Chính phủ và khẳng định việc thành lập 4 phường và thành phố Sầm Sơn đã đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành. Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội , việc thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa nhằm đáp ứng quá trình đô thị hóa của thị xã Sầm Sơn, tạo động lực cho việc xây dựng thị xã phát triển toàn diện theo định hướng trở thành đô thị du lịch cấp quốc gia; đô thị tương hỗ cho TP. Thanh Hóa và Khu kinh tế Nghi Sơn; hình thành tam giác tăng trưởng TP. Thanh Hóa-Sầm Sơn-Nghi Sơn; là động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và có tác động đến phát triển vùng Bắc Trung Bộ và cả nước...
Mặc dù vậy, tại phiên họp cũng đã có nhiều ý kiến lo ngại việc nâng cấp thị xã Sầm Sơn lên thành phố, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, do Thanh Hóa là tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, trong khi ngân sách Trung ương rất hạn hẹp nên việc hỗ trợ địa phương đầu tư nâng cấp đô thị rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ giải trình thêm nguồn vốn được huy động từ ngân sách Trung ương (332,5 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị cho thành phố Sầm Sơn khi được thành lập.
Nêu ý kiến về việc này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 27/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng có quyết định công nhận thị xã Sầm Sơn là đô thị loại 3. Chính vì vậy, theo Tổng thư ký Quốc hội, ít nhất sau khi được công nhận là đô thị loại 3 phải cần thời gian để đầu tư, để người dân cảm nhận được sự thay đổi.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân loại đô thị là thẩm quyền của Thủ tướng, còn nâng cấp thì thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, quan trọng là thị xã Sầm Sơn có đủ điều kiện để nâng cấp lên thành phố hay không, chứ không phải được công nhận đô thị loại 3 cách đây bao lâu.
Sau phần tranh luận, cuối cũng 100% thành viên UBTVQH có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của UBTVQH về việc thành lập thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP. Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày ký.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao