Thanh Hóa: Đất tặc “núp bóng” dự án xây dựng nhà ở công nhân
“Núp bóng” việc lấy đất, đá đi san lấp cho các DA,nhưng thực tế bán đất đi nhiều nơi thu lợi nhiều tỷ đồng. Đáng chú ý, việc khai thác đất trái phép diễn ra ngang nhiên, kéo dài nhưng không bị xử lý, ngăn chặn.
Từ phản ánh của dư luận. Mới đây, PV báo Doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại khu vực được gọi là “DA xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, công nhân” thuộc địa bàn xã Hải Yến (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) để xác minh sự việc.
Trước mắt PV là một dãy đồi bị đào phá tan hoang, lở loét, ước tính số lượng đất, đá đã được khai thác phải lên tới gần trăm nghìn m3. Thấy PV tác nghiệp, một người dân sở tại cho biết, ông chủ doanh nghiệp này quan hệ lớn và giầu có tiếng, vào loại “đầu bảng” tại Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Nghe nói họ phá đồi “chui” để lấy đất đem bán cho các DA, thu vô số tiền. Hôm nay các anh vào không thấy xe lớn, xe bé ùn ùn chở đất là vì hôm qua vừa có Công an huyện vào kiểm tra, bắt phải dừng.
Việc khai thác đất đồi trái phép của CTy Văn Hoa diễn ra rầm rộ, kéo dài công khai, vị trí khai thác giữa Khu Kinh tế Nghi Sơn, nằm ngay bên đường lớn, cách Đồn Công an Nghi Sơn (thuộc Công an nhân dân huyện Tĩnh Gia) chưa đầy 200m, nhưng không hề bị kiểm tra, xử lý?. Vậy ai đã “chống lưng” cho doanh nghiệp làm càn?.
Để “hợp pháp hóa” cho hành vi khai thác trái phép tài nguyên của mình, mới đây Cty Văn Hoa đã “xoay” được “giấy phép” của cơ quan chức năng là Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) Nghi Sơn với nội dung “ tận dụng đất dư thừa trong thi công xây dựng Dự án khu nhà ở cho cán bộ, công nhân tại xã Hải Yến để san lấp mặt bằng”, ngày 5/4/2014, do Phó Trưởng Ban Trần Chí Thanh ký.
Nội dung nêu DA đã được UBND tỉnh chấp thuận địa điểm (ngày 10/11/2016), có diện tích 8.997,3 m2, thời hạn thuê đất đến tháng 12/2018. Hiện CTy đã hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng và đang trong quá trình triển khai thi công xây dựng các hạng mục của DA (thực tế nhằm phá đồi lấy đất đem bán).
Qua kiểm tra hiện trạng, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công … khu đất DA nằm trên đồi núi, phải đào tới 88.724,18m3 mới có mặt bằng xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi CTy Văn Hoa đã ký hợp đồng san lấp mặt bằng với 2 đơn vị có DA đã được cấp phép tại KKT Nghi Sơn.
Để “tạo điều kiện” cho CTy văn Hoa trong quá trình thi công công trình, Ban QLKKT Nghi Sơn thống nhất chủ trương cho CTy Văn Hoa được tận dụng đất đào dôi dư để san lấp mặt bằng cho 2 DA theo hợp đồng đã ký.
Ban yêu cầu Cty văn Hoa tuân thủ các quy định trong qúa trình thi công và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm và sự cố… cuối cùng, Công văn được “chốt” lại bằng câu “Ban QLKKT Nghi Sơn thông báo để CTy biết và thực hiện”.
Dựa vào văn bản này, CTy Văn Hoa đã tiếp tục huy động hàng loạt phương tiện, máy móc đào khoét đất đồi, rầm rập chở đến địa điểm san lấp để kiếm lời.
Chính ông Lê Thanh Hà, Phó Trưởng BQLKKT nghi Sơn, trong buổi làm việc với PV đã phát biểu “ CTy Văn Hoa đã lợi dụng văn bản của chúng tôi để khai thác đất trái phép”. Vì thế, Công văn này không phải là “giấy phép” cho Cty khai thác.
Với thời gian thuê đất ngắn ngủi (hết năm 2018), trong khi hiện tại chưa hề có hoạt động xây dựng nào tại đây. Giả sử như doanh nghiệp này thực hiện đúng mục tiêu DA là xây nhà ở cho cán bộ, công nhân (thực tế là xây nhà ở trọ để kinh doanh).
Nếu cuối năm 2017, nhà trọ đi vào hoạt động hết công suất, thử hỏi số tiền thu được trong 12 tháng kinh doanh sẽ là bao nhiêu, liệu có đủ chi cho riêng việc “san lấp mặt bằng” với khối lượng “khủng” đất đồi phải đào để đổ đi hay không?.
Rõ ràng, DA của CTy Văn Hoa chỉ là “bánh vẽ” lấy cớ nhằm khai thác đất đồi trái phép để trục lợi bất chính. Sự thật đơn giản này không hiểu sao các cấp, ngành có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa và BQLKKT nghi Sơn không biết?.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện tĩnh Gia cho biết. Về vụ việc này, mới đây ông mới nhận được báo cáo của Đồn Công an Nghi Sơn.
Ngay sau đó, vào ngày 11/4/2017, ông đã chỉ đạo Công an huyện và Phòng chuyên môn của UBND huyện tĩnh Gia kiểm tra, lập biên bản cho tạm dừng hoạt động khai thác của CTy Văn Hoa.
Cũng theo ông Dũng, tới đây, huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét, cân nhắc về DA này, và sẽ gửi văn bản tới BQLKKT Nghi Sơn, đề nghị cùng phối hợp, xem xét việc hạ “cốt” nền có dấu hiệu “bất thường” của DA. Đồng thời, nếu thấy DA không khả thi, ảnh hưởng lớn đến môi trường, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh cho dừng triển khai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo