Thanh Hoá: Hàng trăm héc ta rừng dự án "về tay"... cán bộ, lãnh đạo?
Thời gian vừa qua, Doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều thông tin phản ánh của một số hộ dân xã Xuân Thái (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá) về việc BQL rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân) triển khai thực hiện không đúng quy hoạch phát triển dự án chuyển đổi 200 héc ta rừng phòng hộ để trồng cao su, cũng như để xảy ra tình trạng nhiều người được giao quản lý đã bán, trao đổi nhưng không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.
Một số hộ dân tại đây cho biết, trước kia khu vực này là rừng tự nhiên, tuy bị khai thác hết những cây gỗ quý, nhưng vẫn còn nhiều gỗ tạp lớn và nhiều cây có giá trị khác. Sau khi dự án của tỉnh về đây, họ chặt phá hết để trồng keo và cao su.
Từ khi dự án được triển khai, tình trạng mua bán, trao đổi đất rừng cũng rầm rộ hơn, giá được đẩy lên cao hơn. Trước kia chỉ trên 20 triệu đồng/ héc ta, sau này dự án của tỉnh được rao bán với giá 50-80 triệu đồng/héc ta.
Ghi nhận của PV, cả một khu vực rừng rộng lớn đang trong tình trạng trơ trọc do cây được trồng mới chưa phát triển. Hiện tại dự án trồng cao su mới chỉ thực hiện được vài chục héc ta, tuy nhiên cây cao su phát triển kém, nhiều cây bị chết. Phần lớn diện tích còn lại được trồng cây keo.
Trước đó, ngày 12/10/2012, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 3372/QĐ-UBND về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại BQL rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân), huyện Như Thanh. Quyết định cũng nêu rõ, trong thời hạn 1 năm nếu không trồng xong cao su thì phải trồng rừng trở lại.
Theo đó, phần diện tích rừng tự nhiên được chấp thuận chuyển đổi là 200 héc ta, thuộc tiểu khu 629 và tiểu khu 639 (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh). BQL rừng Như Xuân chịu trách nhiệm tổ chức thanh lý, khai thác số gỗ tự nhiên còn sót lại.
Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, BQL rừng Như Xuân đã không tiến hành trồng toàn bộ cao su như mục đích ban đầu mà chia đất cho các cán bộ, nhân viên trong BQL đứng ra quản lý, trồng cây cao su và phần lớn trồng cây keo. Thậm chí, một người được cho là nhân viên đã nghỉ hưu 5 năm nhưng vẫn được giao 1 số diện tích khá lớn.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Hoa – Giám đốc BQL rừng Như Xuân cho biết, hiện tại dự án được trồng cây cao su và keo. Do đời sống của cán bộ nhân viên còn nhiều khó khăn nên giao cho mỗi người một ít để quản lý, khai thác.
Tuy nhiên, theo thông tin từ BQL rừng Như Xuân, hiện diện tích trồng cây cao su khoảng trên 50 héc ta, còn lại gần 150 héc ta được trồng cây keo. Như vậy, phần lớn diện tích của dự án đã không thực hiện đúng theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hoá khi BQL rừng Như Xuân và Sở NN&PTNT Thanh Hoá đề xuất chuyển đổi để phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, tổng diện tích giao cho cán bộ, nhân viên của BQL này cũng chỉ chưa đầy 100 héc ta (trong đó có 1 số người đã tự ý chuyển nhượng trái phép), còn lại trên 100 héc ta được cho là BQL rừng Như Xuân đang quản lý, nhưng thực tế phần lớn diện tích dự án này lại thuộc quyền quản lý của một số lãnh đạo đang công tác tại các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa.
Sự việc này ngang nhiên diễn ra nhiều năm qua nhưng không hiểu vì lý do gì cơ quan quản lý, Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Thanh Hoá không vào cuộc làm rõ động cơ phía sau việc chặt phá hàng trăm héc ta rừng tự nhiên (được báo cáo là rừng nghèo kiệt) rồi xin chuyển đổi mục đích thành rừng sản xuất để chia nhau trục lợi (?!)
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!
End of content
Không có tin nào tiếp theo