Pháp luật

Thanh Hóa: Hàng trăm héc ta rừng “rơi” vào tay lãnh đạo Sở NN&PTNT?

(DNVN) - Được giao khảo sát, đề xuất và giám sát triển khai dự án chuyển đổi 200 héc ta rừng tự nhiên nghèo kiệt, sang rừng sản xuất trồng cao su, nhiều cán bộ BQL rừng Như Xuân và lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa được cho là đang nắm giữ hàng chục héc ta rừng tại dự án này, trong khi nhiều hộ dân không có rừng sản xuất, nếu muốn thì phải “mua chui” với giá vài chục cho tới hàng trăm triệu/ha.

Hàng trăm héc ta rừng “rơi” vào tay quan!

Trước đó, theo đề xuất của BQL rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân) và Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 3372/QĐ-UBND ngày 12/10/2012 về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su tại BQL rừng Như Xuân.

Theo đó, phần diện tích rừng tự nhiên được chấp thuận chuyển đổi là 200 héc ta, thuộc tiểu khu 629 và tiểu khu 639 (xã Xuân Thái, huyện Như Thanh). BQL rừng Như Xuân chịu trách nhiệm tổ chức thanh lý, khai thác số gỗ tự nhiên còn sót lại.

Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai, BQL rừng Như Xuân đã không tiến hành trồng toàn bộ cao su như dự án được phê duyệt mà chia đất cho các cán bộ, nhân viên trong BQL đứng ra quản lý, trồng cây keo. Thậm chí, một người được cho là nhân viên đã nghỉ hưu 5 năm nhưng vẫn được giao 1 số diện tích khá lớn.

Hàng trăm héc ta rừng vẫn trơ trọi sau 04 năm triển khai dự án trồng cao su.

Một số cán bộ, nhân viên sau khi được nhận rừng đã phát sinh việc chuyển nhượng trái phép số diện tích được giao, với số tiền lên tới 50-70 triệu đồng/héc ta.

Thêm vào đó, theo nguồn tin của Doanh nghiệp Việt Nam, hàng trăm héc ta rừng đã “rơi” vào tay một số cán bộ, lãnh đạo các ngành chức năng và một Phó GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa (hiện đang quản lý khoảng 30 - 40 héc ta).

Ghi nhận của PV tại đây, cả một khu vực rừng rộng lớn đang trong tình trạng trơ trọc do cây được trồng mới chưa phát triển. Hiện tại dự án trồng cao su mới chỉ thực hiện được vài chục héc ta, tuy nhiên cây cao su phát triển kém, nhiều cây bị chết. Phần lớn diện tích còn lại được trồng cây keo.

Tiếp tục tìm hiểu qua một số người dân địa phương, ai cũng “đọc vanh vách” về vị trí, diện tích mà hiện nhiều cán bộ, lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh Thanh Hoá hiện đang quản lý, sử dụng, trong đó có cả cán bộ Hạt kiểm lâm Như Thanh; cán bộ, lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa...

Người đàn ông này "nhận" là bảo vệ rừng cho ông Đ. cho biết hiện đang quản lý, bảo vệ trên 30 héc ta. (Ảnh cắt ra từ clip)

Đi sâu vào trong dự án, đập trước mắt PV là khung cảnh xơ xác, trơ trọi của những tán cao su, tán keo kém phát triển trên cả một khu vực rộng lớn hàng trăm héc ta. Thỉnh thoảng xuất hiện vài ngôi nhà khá kiên cố, được xây dựng để trông coi, bảo vệ rừng.

 

Một người tên Th. cho biết, hiện đang trông coi, quản lý trên 30 héc ta đất cho ông Đ. (một lãnh đạo Sở NN&PTNT Thanh Hóa). Phía trong cũng là đất của một số cán bộ, lãnh đạo các ngành chức năng như ông Ng. (đang công tác trong ngành kiểm lâm); ông D.; ông Ch...., mỗi người được “giao” hàng chục héc ta. Anh Th. cũng cho biết, vợ chồng ông Đ. “tuần nào cũng vào thăm đồi cao su của mình”.

Nghịch lý tại khu vực trên, một số người dân khẳng định do không có hoặc được giao rất ít rừng tại khu vực khác nên muốn được giao rừng tại đây nhưng không có "suất". Nếu muốn, người dân có thể mua (nhận chuyển nhượng) lại của một số cán bộ với giá 50-80 triệu đồng/ héc ta, tùy từng vị trí.

Sở NN&PTNT Thanh Hóa báo cáo sai sự thật; làm trái quy định

Theo thông tin từ BQL rừng Như Xuân, hiện diện tích trồng cây cao su khoảng trên 50 héc ta, còn lại gần 150 héc ta được trồng cây keo. Như vậy, phần lớn diện tích của dự án đã không thực hiện đúng theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hoá khi BQL rừng Như Xuân và Sở NN&PTNT Thanh Hoá đề xuất chuyển đổi từ rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su để phát triển kinh tế.

Thêm vào đó, sau khi nhận thấy việc trồng cây cao su không khả thi, tháng 05/2015, BQL rừng Như Xuân, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có báo cáo gửi UBND tỉnh đề nghị trồng lại rừng bằng cây keo.

 

Sở NN&PTNT Thanh Hóa "cầm đèn chạy trước" UBND tỉnh khi tự ý trồng keo thay thế trong dự án trồng cao su.

Báo cáo này cho rằng các hộ gia đình nhận khoán gặp khó khăn do giá mủ cao su rớt giá, nhiều nơi dừng thu mua hoặc dân tự ý chặt bỏ để trồng cây khác. Tuy nhiên, sự thật phía sau dự án 200 héc ta này đều đã được “chia” cho các cán bộ, lãnh đạo BQL rừng Như Xuân và một số cơ quan chức năng khác quản lý, sử dụng.

Hơn nữa, việc chuyển sang trồng cây keo trên diện tích còn lại là gần 150 héc ta cũng được thực hiện...trước khi báo cáo UBND tỉnh và đến nay vẫn chưa được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt.

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Đốc – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa khẳng định, toàn bộ diện tích 200 héc ta rừng của dự án đang được cán bộ, nhân viên BQL rừng Như Xuân quản lý, không có chuyện cán bộ, lãnh đạo các cơ quan khác được giao, theo như thông tin phản ánh.

Về phần diện tích gần 150 héc ta bỏ hoang và chuyển đổi sang trồng keo trước khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đốc thừa nhận “về nguyên tắc là sai”, trách nhiệm này thuộc Sở NN&PTNT và BQL rừng Như Xuân.

Ông Đốc cũng xác nhận, việc triển khai trồng cây cao su được thực hiện từ cuối năm 2014. Như vậy, sau gần 02 năm được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, dự án mới tiến hành trồng cao su, điều này trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và Thông tư hướng dẫn của Bộ NN&PTNT hướng dẫn việc trồng cây cao su trên đất nông nghiệp.

 

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PVĐT
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo