Pháp luật

Thanh niên cầm đầu khủng bố Tân Sơn Nhất lãnh 16 năm tù

Chiều 5/6, TAND Cấp cáo tại TPHCM đã bác kháng cáo của bị cáo Đặng Hoàng Thiện, Nguyễn Đức Sinh cùng 12 đồng phạm về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định: lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các nhóm phản động lưu vong ở nước ngoài đã lập ra các diễn đàn nhằm lôi kéo những người trẻ không có công việc ổn định, tư tưởng lệch lạc thành lập các nhóm nhằm chống lại chế độ.

Tại phiên tòa các luật sư cùng cho rằng các bị cáo phạm tội theo khoản 3 điều 84 BLHS (có khung hình phạt từ 2-7 năm tù), hành vi của các bị cáo không ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người. HĐXX nhận định mặc dù các bị cáo tham gia các nhóm khác nhau như “Phượng Hoàng”, “Mãng Xà”, “Đại Bàng”, “Đại Việt”… để thực hiện các vụ khủng bố với chủ trương "giết sạch, đốt sạch, phá sạch". Việc đặt bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, đốt kho xe số 1 là một trong những kế hoạch của tổ chức này. Đặt bom tại sân bay Quốc tế nơi có đông người nên việc không có hậu quả về người là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo.

Theo cáo trạng, bị cáo Vy là người trực tiếp kích nổ quả bom xăng tại sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo Thiện cho rằng mình là người trực tiếp kích hoạt nổ quả bom này. Theo HĐXX, mặc dù các bị cáo thay đổi lời khai tuy nhiên ngay từ đầu đã thống nhất ý chí, nên không làm thay đổi bản chất vụ án.

Các bị cáo tại toà.

Một số người khác kêu oan, song nội dung các cuộc gọi và nói chuyện trên mạng (cơ quan điều tra trích xuất) cho thấy họ đã trao đổi những nội dung đả kích, nói xấu chính quyền.

Vũ Mộng Phong cho rằng không tham gia nhưng kết quả điều tra xác định nhóm Thiện, Sinh và đồng phạm đã nhiều lần tụ tập tại nhà anh ta, chỉ họ đi mua xăng. Còn Dương cũng nhiều lần chở đồng phạm đi mua nguyên liệu nên không thể không biết kế hoạch khủng bố.

"Các bị cáo không tham gia tổ chức phản động do Phạm Lisa thành lập nhưng tiếp nhận ý chí từ đồng phạm và để mặc cho hậu quả xảy ra", tòa phân tích hành vi phạm tội của Phong và Dương.

Thái Hàn Phong không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng lời khai của nhân chứng thể hiện, sau khi phá hủy kho chứa xe vi phạm của Công an Biên Hòa, bị cáo đi uống cà phê với đồng phạm và khoe chiến tích.

Tương tự, Chung khẳng định không liên quan đến nhóm phản động nhưng căn cứ vào lời khai của Thiện, Phương và nội dung các cuộc trao đổi của Chung với Thiện có đủ căn cứ xác định bị cáo đã 3 lần cung cấp tiền cho Thiện theo chỉ đạo của Phạm Lisa.

 

Trong vụ án này, các bị cáo là những người trẻ, hầu như nhận thức hạn chế, không có công việc hoặc là công nhân, bị các thế lực xấu lôi kéo vào đường dây phản động.

Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trong vụ án này chưa có thiệt hại về người là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Hành vi của họ là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Do đó, HĐXX quyết định bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan của tất cả các bị cáo tuyên phạt bị cáo phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với mức án cụ thể như sau: Đặng Hoàng Thiện 16 năm tù; Nguyễn Đức Sinh 10 năm tù; Thái Hàn Phong 14 năm tù; Ngô Thụy Tường Vy 11 năm tù; Nguyễn Ngọc Tiền 11 năm tù; Nguyễn Thị Chung 12 năm tù; Bùi Công Thành, Vũ Mộng Phong cùng 8 năm tù; Đoàn Văn Thế 7 năm tù; Hùng Văn Vương, Trần Văn No cùng 6 năm tù; Trương Tấn Phát, Lê Hùng Cường, Hoàng Văn Dương cùng 5 năm tù.

Đồng thời áp dụng hình phạt bổ phạt quản chế các bị cáo 3-5 năm, kể từ sau khi chấp hành xong án tù.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo