Thành phố Hồ Chí Minh cần có đội 141 như Hà Nội!
Táo tợn, tàn bạo
Vấn nạn cướp giật lộng hành là nội dung “hâm nóng” bàn nghị sự Kỳ họp lần 7, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII ngay từ ngày họp đầu tiên. Trong các báo cáo chuyên đề, thảo luận tổ diễn ra chiều 4/12, bên cạnh việc xem xét các tờ trình, đa phần các tổ thảo luận đều có đại biểu bày tỏ sự lo lắng, bức xúc về tình trạng cướp giật. Ngay cả giờ giải lao, các đại biểu cũng thảo luận, bày tỏ ý kiến, quan điểm về “vấn nạn” đang rất nổi cộm này.
Đánh giá về nạn cướp giật hiện nay, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gói gọn: “Táo tợn, tàn bạo”.
Đại biểu Trương Lâm Danh – Phó Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng cướp giật trên địa bàn thành phố trong thời gian gần đây rất đáng báo động, đặc biệt, tính chất phạm tội ngày càng manh động và dã man. Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: “gài mồi”, dàn cảnh để cướp giật, chém, đâm ngang xe, đạp người bị cướp xuống đường...
Đáng báo động hơn là các đối tượng cướp giật chủ yếu ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các đối tượng này sẵn sàng hù doạ, chống trả quyết liệt đối với những người đi đường nhảy vào cứu…Thậm chí, đối tượng cướp giật hiện nay còn có cả những người có việc làm ổn định, đây là điều chưa từng có tiền lệ trước đó. Thực tế, các đối tượng này đều dính vào con đường cờ bạc, cá độ, số đề hay những trò chơi đỏ đen khác. Hậu quả là khi đã lao vào thì không thoát ra được, khiến nợ nần chồng chất, không biết xoay đâu, trong khi, những đồng lương chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và chính điều này đã dẫn đến tình trạng phạm pháp, nhất là đi cướp giật, móc túi hay ăn trộm.
Đại biểu Đinh Phương Duy, đại biểu quận Bình Thạnh đồng thời là một tiến sĩ tâm lý thì cho rằng, số lượng tội phạm ngày càng tăng, tính chất nghiêm trọng, táo tợn không trừ một ai. Không phải ai giàu mới bị cướp. Giờ đây, người già, trẻ, đơn cô thế cô cũng đều có thể bị cướp.
Nguyên nhân tình trạng cướp ngày càng nhiều, tàn bạo có thể là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, do không kiểm soát được tình hình, không ngăn ngừa được tội phạm. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn rất tốt bụng nhưng do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tâm lý không quan tâm hỗ trợ đến người khác, sợ cơ chế liên lụy, tốn thời gian giải trình… nên người dân không dám làm “Lục Vân Tiên”, vì thế mà cướp có cơ hội lộng hành.
Cần trấn áp ngay loại tội phạm này
Đại biểu Võ Văn Sen cho rằng, việc làm cấp thiết hiện nay là: “Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cấp phải trấn áp tội phạm trộm cướp để bảo vệ nhân dân, bảo vệ khách du lịch…”.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hà (Quận 2) thì cho rằng: "cướp giật thì thời nào cũng có nhưng gần đây, cướp táo bạo và tàn ác quá". Hiện nay các đối tượng trước khi gây án đều sử dụng chất gây nghiện. Thành phố dân cư đông, địa bàn khó quản lý, đối tượng phức tạp. Vì vậy, cần quản lý đối tượng nghiện thật tốt để khi trả về địa phương không phải vì không có tiền hút chích mà gây nên tội ác. Hiện công an thành phố có nhiều biện pháp trấn áp tội phạm nhưng cũng cần có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa thì mới ngăn chặn được vấn nạn này.
“Cứ ai phạm tội thì đem ra xử lý thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Cái gốc là chúng ta giáo dục, tạo công ăn việc làm cho họ. Thành phố nên phối hợp với các tỉnh, phát triển kinh tế vùng miền. Các ngành như may mặc, da giày... thì phát triển ở các vùng phụ cận để cho thanh niên địa phương có việc làm. Thanh niên ở địa phương gắn liền gia đình nên sẽ được giáo dục tốt hơn là lên Thành phố Hồ Chí Minh, không có cha mẹ kèm cặp, dễ bị cái xấu tiêm nhiễm”, ông Hồng Hà nói.
Tại cuộc thảo luận nhóm, một đại biểu bức xúc khi chính ông chứng kiến cảnh nhóm thanh niên choai choai kéo mã tấu ren ren giữa phố. Đại biểu này đề nghị quận huyện nào để xảy ra tội phạm nhiều thì hạ bậc thi đua, cắt thi đua, kiểm điểm. Công an bắt nhiều tội phạm cần khen thưởng. Chính quyền các cấp luôn kêu gọi toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc nhưng bà con báo tin bị hành hung, không thấy ai bảo vệ. Cần có cơ chế bảo vệ, bảo mật cho người dân. Các quận huyện ngoại thành, các tỉnh giáp ranh là nơi tội phạm không ranh giới hoành hành. Hiện các lực lượng mới chỉ đánh đuổi chứ chưa có triệt phá toàn diện. Vì vậy các quận huyện trong thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh bắt tay với các tỉnh lân cận để trấn áp tội phạm một cách nhất quán, đồng bộ thì mới đẩy lùi được tệ nạn này. Một số đại biểu cũng đề nghị Hội đồng nhân dân thành phố nên ra nghị quyết về chống cướp giật, lấy năm 2013 làm năm thực hiện chủ đề: "Năm an toàn trật tự xã hội".
Đại biểu Đinh Phương Duy, dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học thì cho rằng, giá trị sống đang chao đảo mà chúng ta không định hướng cụ thể, không có chuẩn để đi theo. Hạnh kiểm học trò chung chung, đạo đức con người mơ hồ. Trách nhiệm giải quyết, ngăn chặn cướp giật đều tiên thuộc về ngành công an. Tuy nhiên, các nhà quản lý, giáo dục cần quan tâm, tìm hiểu để nhận thức rõ nạn cướp giật là một hiện tượng xã hội và tìm cách hóa giải hiện tượng này. Đại biểu Duy cũng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh nên phát huy lực lượng SBC và có một đội ngũ chuyên trấn áp tội phạm như tổ 141 của Hà Nội mới đẩy lùi cướp giật.
Ngày mai, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với phần báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ, đại biểu thảo luận tại hội trường, bầu bổ sung ủy viên UBND TP, thông qua các tờ trình…
Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)
End of content
Không có tin nào tiếp theo