Thị trường

Thanh toán qua thẻ: Trống xuôi, kèn ngược

Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng trong kế hoạch tín dụng năm 2012, cơ quan này lại yêu cầu các ngân hàng hạn chế phát triển tín dụng thông qua phát hành thẻ tín dụng.

Năm 2011, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc phát hành thẻ, trong đó đặc biệt chú trọng vào thẻ tín dụng. Tuy nhiên, cho đến nay thị trường này vẫn không khả quan khi cả nước hiện chỉ có hơn 1 triệu thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế, với mức thanh toán trong năm 2011 khoảng 14.000 tỷ đồng.



Người bình chân, kẻ lo lắng



Thực tế này đã khiến mỗi ngân hàng có kế hoạch khác nhau trước yêu cầu hạn chế tăng trưởng tín dụng qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. “Kế hoạch năm về phát triển thị trường thẻ của chúng tôi đã thông qua từ giữa tháng 1/2012, giờ cứ thế tiến hành. Tôi nghĩ, phát triển thẻ là giành chỗ bán lẻ trong tương lai, nên chúng tôi không… hạn chế”, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho hay. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cũng bày tỏ: “Cho vay qua thẻ cũng là tín dụng tiêu dùng, nhưng tôi cho rằng đối với các ngân hàng hoạt động tốt thì ngại gì việc phát triển thẻ tín dụng thêm trong năm nay. Trong hạn mức tín dụng của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng”.

 

Nhưng các ngân hàng nhỏ hơn không hề bĩnh tĩnh khi đón nhận yêu cầu này. “Nếu cứ như năm ngoái, thị trường chi tiêu bằng thẻ chưa nhiều thì việc phát triển thẻ tín dụng cũng không đáng ngại. Nhưng, Ngân hàng Nhà nước chính thức yêu cầu hạn chế tăng trưởng tín dụng qua kênh này cũng khiến chúng tôi lo lắng khi phát hành thêm thẻ”, đại diện một ngân hàng nhỏ cho biết.



Theo vị này, nếu không tăng cường kế hoạch phát triển thẻ tín dụng thì rất khó để cạnh tranh trên thị trường trong tương lai. Nhưng nếu tăng cường thêm thì “sợ vượt mức tăng trưởng tín dụng, vì “chúng tôi chỉ được cấp chỉ tiêu tín dụng khoảng phân nửa so với ngân hàng lớn”. Một số ngân hàng nhỏ cũng cho biết, do vốn họ nhỏ nên hạn mức tín dụng vì thế cũng nhỏ hơn nhiều so với các NH lớn, và vì vậy, việc cạnh tranh trên thị trường thẻ càng tỏ ra yếu thế.



Èo uột thanh toán qua thẻ



Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, nhiều ngân hàng mở chương trình ưu đãi khi phát hành thẻ tín dụng,  khuyến mãi khi thanh toán bằng hình thức này để “dành vị trí” trên thị trường thẻ. Ngay dịp lễ Tình nhân (14/2), các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc phát hành thẻ tín dụng theo hình thức phát hành “cặp đôi”. Đây được coi là những nỗ lực của ngành ngân hàng trong phát triển thị trường thẻ và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng theo tiết lộ của một số ngân hàng, rất nhiều chương trình của họ về thanh toán thẻ không đủ số lượng khách giao dịch, hoặc phải hạ mức yêu cầu chi tiêu xuống mới đủ cơ cấu giải. Mặt khác, con số thống kê cũng cho thấy, tình hình chi tiêu qua thẻ tại Việt Nam còn rất èo uột.



Mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đang hướng tới là việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng giữa lúc sơ khai như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước lại chính thức phát thông điệp hạn chế tăng trưởng tín dụng qua phát hành và sử dụng thẻ tín dụng. Có phải việc này mâu thuẫn với mục tiêu nói trên?  Một chuyên gia của Viện Chiến lược và chính sách tài chính, cho biết: “Chi tiêu qua thẻ tín dụng không giống như những khoản vay khác, nó phải trả trong ngắn hạn. Nếu hạn chế phát hành thẻ tín dụng thì giống việc tiếp tục cấm đoán người ta đến với thanh toán không dùng tiền mặt”.



Bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Smartlink, cũng cho biết: “Nếu so với thẻ ATM và thẻ tín dụng, khách hàng Việt Nam chủ yếu thanh toán qua thẻ tín dụng. Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách khuyến khích hay hạn chế mở rộng thị trường này”. Bà Tú Anh khuyên các ngân hàng nên tùy chiến lược để cân đối quỹ chỉ tiêu tín dụng của mình, và có kế hoạch cơ cấu lại nghiệp vụ thẻ để có kế hoạch phát phát hành các loại thẻ một cách phù hợp.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo