Hi-tech

Thanh toán qua “ví điện tử” sẽ trở nên phổ biến trong tương lai

Công ty theo dõi và phân tích thị trường eMarketer đã đưa ra công bố vào thứ Năm (9/10) vừa qua rằng tính năng sử dụng điện thoại smartphone như một chiếc ví tiền sẽ được cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ vào năm sau, nhưng tiền mặt và thẻ tín dụng vẫn sẽ được ưa chuộng trong ngắn hạn.

Ứng dụng thanh toán Apple Pay của Apple. (Nguồn: wired.com)

 “Mặc dù ngày càng có nhiều công nghệ thanh toán được nhiều nhà phân phối áp dụng, người tiêu dùng vẫn thờ ơ với việc trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ thông qua điện thoại của họ tại các điểm bán hàng,” chuyên gia phân tích Bryan Yeager của eMarketer cho biết.

Tuy nhiên, lượng tiền thanh toán qua ví tiền smartphone sẽ tăng lên trong tương lai, đặc biệt là khi người tiêu dùng bắt đầu sử dụng công cụ này để chi trả cho các khoản chi tiêu lớn, eMarketer nhận định.
 
Báo cáo của Yeager dự đoán rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ chi trả khoảng 3,5 tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ thông qua smartphone trong năm nay, và con số đó sẽ tăng gấp rưỡi vào năm 2015.
 
Tuy vậy, vẫn cần khoảng thời gian nhiều năm nữa để xu hướng chi trả chuyển sang sử dụng ví tiền smartphone, khi lượng tiền giao dịch qua kênh này sẽ tăng lên mức 27,47 tỷ USD vào năm 2016 và tăng gấp bốn lần trong năm 2017, lên mức 118,01 tỷ USD, theo dự đoán của eMarketer.
 
Việc Apple bổ sung tính năng trả tiền Apple Pay cho mẫu iPhone mới nhất và eBay tách bộ phận dịch vụ tài chính trực tuyến PayPal ra khỏi cơ cấu tổ chức đã thu hút nhiều sự chú ý trong những tuần gần đây, nhưng trên tổng thể, thị trường vẫn ở trạng thái phân mảnh, báo cáo cho biết.
 
“Apple Pay sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chi trả qua điện thoại, nhưng nó vẫn còn nhiều việc cần phải làm,” Yeager nhận định.
 
Theo eMarketer, dù ví tiền smartphone có được thiết kế tốt đến mức nào đi chăng nữa, thì điều quan trọng để thu hút khách hàng vẫn nằm ở phạm vi và chất lượng dịch vụ do các nhà phân phối áp dụng trong quá trình thanh toán./.
Theo VietnamPlus
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo