Thanh tra Chính phủ đề nghị điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp cao su
Kết thúc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp cao su VN và một số đơn vị thành viên giai đoạn 2005-2011, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an điều tra một số vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Một trong những sai phạm này có việc đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần chế biến - xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Công ty này được cấp giấy phép kinh doanh lần đầu năm 2007, với vốn điều lệ 169 tỉ đồng, do các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng và một số cá nhân là lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG).
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, các đơn vị trên khi quyết định đầu tư góp vốn đã không xây dựng đề án, không có ý kiến đồng ý của VRG, là trái quy định về quản lý vốn Nhà nước, trong đó, một số đơn vị đã sử dụng Quỹ phúc lợi để đầu tư góp vốn.
Việc một số cá nhân là lãnh đạo VRG và các công ty thành viên tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Công ty DSEC, như nguyên Chủ tịch Hội độ̀ng quản trị VRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị DSEC; Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp và xuất khẩu cao su (góp vốn cá nhân) kiêm Ủy viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc DSEC là trái quy định về quyền thành lập, góp vốn mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp.
Đáng chú ý, từ khi thành lập đến nay, DSEC liên tục bị thua lỗ: ngoại trừ năm 2009 lãi 4,7 tỉ đồng, năm 2010 lỗ hơn 30 tỉ đồng, năm 2011 lỗ hơn 10 tỉ đồng, năm 2012 lỗ hơn 161 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến năm 2012 là hơn 200 tỉ đồng. Đến thời điểm này, công ty phải bán cả nhà máy để trả nợ và đang làm thủ tục phá sản.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, dù kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm nhưng DSEC vẫn được các Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Phú Riềng, Công ty tài chính TNHH MTV cao su VN ưu ái cho vay bằng những hợp đồng vay, hồ sơ thế chấp và bảo lãnh không đủ căn cứ pháp lý. Trên thực tế, nhiều khoản vay đã bị DSEC sử dụng sai mục đích, chiếm dụng vốn, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư góp vốn, quản lý sử dụng tại DSEC đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 144 tỉ đồng và dư nợ không có khả năng thanh toán 253 tỉ đồng, có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc góp vốn, sử dụng vốn đầu tư….
Kết thúc cuộc thanh tra nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng và các cơ quan chức năng xử lý sai phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 8.366 tỉ đồng. Phần lớn các sai phạm này là do đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, dẫn đến thua lỗ.
Theo Thanh niên Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo