Thanh tra Chính phủ quy định mức độ nghiêm trọng của tham nhũng
Theo đó, mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng được đo lường thông qua kết quả xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người có hành vi tham nhũng và cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Điều này phản ánh mức độ nguy hiểm, tác hại mà hành vi tham nhũng gây ra cho xã hội nói chung,
Việc tính điểm và xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng được thực hiện như sau:
Điểm thành phần 1 được xác định căn cứ vào các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng bị xử lý trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực, địa phương thông qua công tác quản lý nhà nước, hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử.
- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: 30 (điểm);
- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm rất nghiêm trọng: 20 (điểm);
- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm nghiêm trọng: 10 (điểm);
- Nếu trong các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm ít nghiêm trọng hoặc bị xử lý kỷ luật: 5 (điểm);
- Nếu không có trường hợp nào bị xử lý do hành vi tham nhũng: 0 (điểm).
Điểm thành phần 2 được xác định căn cứ vào kết quả khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng. Thang điểm theo quy định lần lượt từ 0, 10, 20, 30, 40 điểm, tương đương với các mức độ lần lượt là không nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, căn cứ vào hai thành phần 1 và 2 nêu trên, các địa phương sẽ được đánh giá về tình hình tham nhũng theo thang điểm như sau: trên 70 điểm đến 100 điểm tương ứng với mức Đặc biệt nghiêm trọng; trên 40 đến 70 điểm là Rất nghiêm trọng; trên 20 đến 40 điểm là Nghiêm trọng; trên 0 đến 20 điểm là mức ít nghiêm trọng; và không nghiêm trọng nếu 0 điểm.
Thông tư nêu ví dụ cụ thể: Nếu kết quả xử lý tham nhũng trong ngành, lĩnh vực hoặc địa phương bao gồm xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có người bị kết án với khung hình phạt tương đương với nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và qua khảo sát cảm nhận, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng xác định là đặc biệt nghiêm trọng, thì các điểm thành phần và điểm, tổng hợp như sau: điểm thành phần 1: 30 (điểm); điểm thành phần 2: 40 (điểm) và điểm tổng hợp sẽ là: 2 x 30 + 1 x 40 = 100 (điểm); như vậy, nhận định tình hình tham nhũng là “đặc biệt nghiêm trọng”.
Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương tiến hành tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, căn cứ vào số điểm theo quy định. Kết quả nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng chống tham nhũng có giá trị tham khảo nhằm phân tích, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không mang tính chất phân loại, xếp hạng giữa các bộ, ngành, địa phương.
Căn cứ vào báo cáo nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương, Thanh tra Chính phủ tổng hợp, nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Trong trường hợp cần thiết, Thanh tra Chính phủ quyết định tiến hành khảo sát với quy mô, đối tượng và nội dung phù hợp nhằm thu thập thêm thông tin, dữ liệu kiểm chứng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo