Xã hội

Thanh tra nghiêm ngặt trách nhiệm Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh

Tập trung thanh tra trách nhiệm của bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn đầu tư, quản lý nợ công; tạm nhập, tái xuất.

Đó là một trong những nhiệm vụ được Thanh tra Chính phủ xác định là công tác trọng tâm năm 2014. Đồng thời với nhiệm vụ này, trong công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ tăng cường phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách (thuế, hải quan), mua sắm công, công tác cán bộ...

Theo báo cáo công tác năm 2013 của Thanh tra Chính phủ, năm 2014 sẽ tập trung vào công tác thanh tra việc sử dụng, quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước;
 
Thanh tra chuyên đề diện rộng về bố trí nguồn vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và quyết toán vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
 
Trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh trong lĩnh vực vốn đầu tư, nợ công... sẽ được thanh tra nghiêm ngặt hơn.
 
Đối với thanh tra bộ, ngành, Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung thanh tra trách nhiệm việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA), vốn trái phiếu Chính phủ, dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao); chống gian lận thương mại, xử lý nợ đọng thuế, hoàn thuế; tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá (xăng dầu, điện, than). 
 
Đặc biệt, trong các lĩnh vực chuyên ngành phải tập trung thanh tra về các vấn đề dư luận quan tâm như bảo vệ môi trường, khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư xây dựng, chất lượng công trình, kinh doanh điện, xăng dầu, dược phẩm, bất động sản, ngoại tệ, vàng; hoạt động thương mại điện tử...
 
Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.
 
Năm vừa qua, kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến hoạt động của EVN khiến dư luận xôn xao khi chỉ ra, EVN đã đầu tư ngoài ngành tính đến hết năm 2011 lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty mẹ chỉ có gần 77.000 tỷ đồng.
 
Thanh tra Chính phủ xác định EVN đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nhưng vượt tỉ lệ vốn góp theo quy định như tại Công ty Tài chính cổ phần điện lực, Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình... Kết quả thanh tra cũng chỉ ra, EVN còn tính chi phí xây biệt thự, chung cư, sân tennis vào giá bán điện. 
 
Nhưng đến nay, sai phạm của EVN vẫn chưa có kết luận chính thức. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện (trong đó có 6 dự án nguồn điện nêu trong kết luận thanh tra) cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác; có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/2014.
 
Dẫn báo cáo của các bộ, ngành, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, có hai bộ báo cáo không phát hiện thấy tham nhũng, tiêu cực trong ngành mình, là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ.
 
Xảy ra tham nhũng, cách chức ngay người đứng đầu
 
Ngày 10/2/2014, Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ sẽ có hiệu lực. Quy định rõ, việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý.
 
Theo đó trước đây chỉ quy định chung chung rằng người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật.
 
Nay điều này sửa cụ thể hơn đó là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức là khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức.
 
Nghị định này được coi là câu trả lời rõ ràng thể hiện sự quyết tâm của Thủ tướng trong công tác phòng chống, xử lý tham nhũng. 
 
Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo thay lãnh đạo nếu doanh nghiệp nhà nước không chịu cổ phần hóa. 
 
Thủ tướng nếu rõ: “bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo. 
Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo