Pháp luật

Thanh tra việc cho thuê mặt nước vịnh Vũng Rô

Vịnh Vũng Rô (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) không được quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhưng phòng hậu cần Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đã ký hợp đồng cho một công ty thuê mặt nước của vịnh này để nuôi cá từ năm 2009 và trên bè cá này có người Trung Quốc.

Chiều 6-6, ông Nguyễn Tri Phương - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trưởng đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc người Trung Quốc làm việc trong các bè cá ở vịnh Vũng Rô - xác nhận qua kiểm tra đã phát hiện phòng hậu cần Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên ký hợp đồng cho thuê 2ha mặt nước vịnh Vũng Rô với Công ty TNHH Thuận Hoàng.

 

Cho thuê để... cải thiện đời sống

 

Hợp đồng được ký ngày 8/9/2009, thời gian cho thuê mặt nước là năm năm (2009-2013) với giá 20 triệu đồng/năm. Có ba người đại diện cho phòng hậu cần Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên đứng tên trong hợp đồng là thượng tá Hoàng Xuân Tiếp - chủ nhiệm phòng hậu cần (hiện đã nghỉ hưu), thượng tá Phan Xuân Hảo - phó chủ nhiệm phòng hậu cần, thượng tá Nguyễn Văn Sơn - phó chủ nhiệm phòng hậu cần (nay là chủ nhiệm phòng này), nhưng chỉ một mình ông Hảo ký.

 

Bà Bùi Thị Bích Ly - giám đốc Công ty TNHH Thuận Hoàng - cho biết vì có hợp đồng này nên từ năm 2009 đến nay bà đã nuôi 111 lồng cá mú tại đây. Năm 2010, có ba người Trung Quốc được tỉnh Phú Yên cho phép đến bè cá này để làm “chuyên gia nuôi trồng hải sản”. Hiện nay một người Trung Quốc còn phép ở lại Phú Yên vẫn thường lui tới và ở lại bè cá này.

 

Trả lời báo Tuổi Trẻ, thượng tá Phan Xuân Hảo thừa nhận: “Đúng là chúng tôi có ký hợp đồng cho Công ty TNHH Thuận Hoàng thuê 2ha mặt biển vịnh Vũng Rô để nuôi trồng hải sản. Hồi đó anh Tiếp có xin ý kiến và được trên đồng ý nên phòng triển khai làm. Số tiền thu được mỗi năm nhập về quỹ chung của phòng để cải thiện đời sống anh em. Chúng tôi đã nhận thấy sai sót trong việc này và sẽ kiểm điểm, sửa sai”.

 

Còn đại tá Nguyễn Đình Triết - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên - khẳng định: “Bộ chỉ huy quân sự tỉnh không có chủ trương nào về việc cho thuê mặt nước biển Vũng Rô để doanh nghiệp nuôi trồng hải sản. Chúng tôi chỉ được giao mặt nước biển để quản lý công trình quân sự, còn mặt nước nuôi trồng hải sản do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý. Hiện chúng tôi đang cho thanh tra việc này, nếu phát hiện cá nhân, đơn vị nào sai phạm sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc”.

 

Bè cá có người Trung Quốc ở Cam Ranh có nhiều vi phạm

 

Cùng ngày, ông Nguyễn Khiêm - chánh văn phòng, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân Thành phố Cam Ranh - đã trao đổi với báo chí về báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố liên quan đến việc người Trung Quốc dựng bè nuôi cá trên vịnh Cam Ranh, dự kiến được gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ngày 7/6.

 

Theo ông Khiêm, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, năm 2009 Ủy ban nhân dân Thành phố Cam Ranh có kiểm tra bè nuôi cá mú của Công ty TNHH Song Phong trên vịnh Cam Ranh, phát hiện bè cá này xây dựng ở vùng nước làm thay đổi nơi cư trú, sinh trưởng, sinh sản của các loài thủy sản mà chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nên đã xử phạt 5 triệu đồng, yêu cầu chủ bè trả lại hiện trạng ban đầu.

 

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân Thành phố Cam Ranh không có báo cáo lên Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, cũng không kiểm tra xem đơn vị vi phạm có khắc phục hiện trạng hay không.

 

Đợt kiểm tra ngày 15/5 phát hiện trên bè cá mú của Công ty TNHH Song Phong có hai lao động Trung Quốc, được Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép lao động làm nhân viên kỹ thuật nuôi dưỡng cá mú.

 

Tuy nhiên, Công ty TNHH Song Phong không có giấy phép sử dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện thêm năm người Trung Quốc hoạt động tại ba cơ sở thu mua hải sản, tất cả đều không có giấy phép lao động, không có giấy tạm trú.

 

Ông Khiêm cho biết hiện cả bảy người này đã xuất cảnh về nước, song Thành phố Cam Ranh không có danh sách những người này.

 

Ông Khiêm còn cho biết bè cá mú có người Trung Quốc là của Công ty TNHH Hải Long và ngày 1/1/2002, công ty này cho Công ty TNHH Song Phong thuê trong 10 năm. Đến ngày 24/9/2002, ông Nguyễn Minh Trung (đại diện Cảng vụ Nha Trang tại Cam Ranh) có bút phê đồng ý cho Công ty TNHH Hải Long được neo đậu bè cá tại vùng biển vịnh Cam Ranh ở vị trí hiện nay.

 

Điều này cho thấy bè cá trên đã được dựng trong vịnh Cam Ranh trước khi có văn bản đồng ý của cảng vụ! Mặc dù Công ty TNHH Song Phong không được cấp phép thuê mặt nước, nhưng ngày 8/11/2006 Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa vẫn xác nhận: “Bè cá của Công ty TNHH Song Phong đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, đủ điều kiện nuôi dưỡng các loại thủy sản”!

 

 

Theo Tuổi trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo