Thất truyền “thiên hạ đệ nhất cam”?
Loại cam một thời lên “ngôi vương” đang dần dần mai một. Một số dự án khôi phục giống cam Xã Đoài tiêu tốn tiền tỷ đã “cuốn theo chiều gió”. Có thể mai này, thiên hạ đệ nhất cam chỉ còn trong... trí nhớ.
“Em xin làm con bò”
Ông Doãn Trí Tuệ, cán bộ Sở NN-PTNT Nghệ An đã nghỉ hưu, có tiếng là hay cãi. Việc chi không ưng, chướng tai gai mắt là ông cãi, cãi tới cùng.
Cách đây hơn chục năm, tỉnh Nghệ An mời một vị giáo sư ở Hà Nội về làm dự án “bảo tồn, nhân rộng giống cam Xã Đoài”. Loại hoa quả được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất cam” du nhập từ Tây Ban Nha tới, chỉ đậm hương vị khi trồng trên đất Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Sau một thời gian dài, giống cam quý dần dần thoái hóa, có nguy cơ “thất truyền”, nên việc bảo tồn nguồn gien cam Xã Đoài, nhân rộng giống cam là cần thiết. Chủ trương này, ông Tuệ ưng!
Nhưng điều khiến Trưởng phòng phụ trách trồng trọt Sở NN-PTNT Doãn Trí Tuệ không ưng ở chỗ, thứ nhất, vị giáo sư từng là “sư phụ” của ông không chuyên ngành trồng trọt, chỉ có chuyên môn thủy nông, chẳng biết mô tê chi về cam; thứ hai, đem “thiên hạ đệ nhất cam” từ Xã Đoài sang trồng ở xã Nghi Ân (Nghi Lộc) là một sai lầm lớn.
Tại các cuộc họp, hội thảo triển khai dự án do Sở NN-PTNT khởi xướng, chủ trì, để hài lòng cấp trên, nhiều người cứ a dua, gật đầu tán thành. Riêng ông Tuệ lắc đầu phản đối. Có hôm, giữa cuộc họp, ông phê phán thẳng thừng, phê phán kịch liệt, rồi ông bỏ họp ra về.
“Năm 2000, hơn 2 tỷ đồng đổ vào dự án trời ơi đất hỡi là một số tiền rất lớn chứ ít ỏi gì đâu! Tại các cuộc họp của Sở NN-PTNT, tôi đưa ra lý lẽ thế này: Vùng đất Nghi Ân mạch nước ngầm cao, thổ nhưỡng không phù hợp để trồng cam. Nơi chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, mưa xuống cam sẽ bị thối rễ, ngày hè thì hạn hán, đem dự án đặt lên đó chắc chắn thất bại, chắc chắn vườn cây sẽ chết ráo. Tôi góp ý như vậy nhưng người ta không nghe, vẫn tiếp tục đổ tiền đổ của để làm!”, ông Tuệ bảo.
Theo kinh nghiệm của ông Doãn Trí Tuệ, cây cam cho quả ngon thường được trồng ở vùng đất thịt, hoặc đất đồi, cạnh những núi đá vôi.
“Cam trồng ở những khu vực đó, quả ngọt nhờ chất dinh dưỡng của mỏ phốt-phát. Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), cam Con Cuông, Cam Xã Đoài (Nghệ An) có vị đặc trưng bởi được nuôi dưỡng trên những vùng đất như vậy. Ví như ở Xã Đoài, đào xuống chưa đầy 1m đã gặp vô số vỏ sò, vỏ nghêu, tuy mạch nước ngầm sâu nhưng người dân trồng cam ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc) vẫn phải lấy đất, phân hữu cơ đắp xung quanh gốc cây để bảo vệ cho cây cam, tránh ngập nước”, ông Tuệ nói.
Mặc cho vị trưởng phòng phụ trách trồng trọt phản đối, lãnh đạo Sở NN-PTNT Nghệ An lúc đó vẫn quyết tâm đưa cam Xã Đoài đến trồng trên đất Nghi Ân. Nói khản giọng vẫn không ngăn nổi, ông Doãn Trí Tuệ bèn đi gặp vị giáo sư phụ trách dự án, ông lớn tiếng:
“Sẽ thất bại thôi, thầy ạ!”
“Sẽ thành công! Anh không tin, cứ chờ mà xem!”, vị giáo sư bảo.
“Thầy mà thành công ở dự án ni, em xin làm con bò cho thầy cỡi!”.
Nói xong, ông Tuệ lủi thủi cắp nón ra về.
Không lâu sau, vườn cây rộng mấy héc-ta trồng cam Xã Đoài trên đất Nghi Ân bị xóa sổ. Tiền tỷ cuốn theo chiều gió, dự án thất bại, tan tành!
“Thiên hạ đệ nhất cam”
Được du nhập từ xứ sở bò tót cách đây khá lâu, loại cam được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất cam” chỉ thực sự ngon, bắt mắt khi trồng trên đất Xã Đoài. Để mua được cam Xã Đoài chính cống, chỉ có cách là đến tận vườn trồng cam của người dân xã Nghi Diên đặt tiền từ đầu vụ, khi cam vừa đơm hoa kết trái, đến khi mùa cam chín rộ tới thu hoạch.
Khách mua lẻ về thờ cúng dịp tết hoặc làm quà cũng phải đến tận vườn, mỗi quả cam bán với giá 70.000- 80.000 đồng, nhưng không phải lúc não cũng sẵn. Giống cam Xã Đoài cũng được di cư lên vùng đất Con Cuông, Nghĩa Đàn (Nghệ An), hương vị không thể sánh bằng loại cam được trồng trên đất Xã Đoài, cũng như giống bưởi Phúc Trạch sẽ kém chất lượng khi ra khỏi thổ nhưỡng Phúc Trạch!
Ông Nguyễn Duy Hảo (xóm 9, xã Nghi Diên, Nghi Lộc), một trong những người trồng nhiều cam nhất vùng Xã Đoài. Đi bộ đội, năm 1976 ông xuất ngũ, trở về địa phương xây dựng vườn cam rộng 5 ha ở đồng nhà Hồ.
Ông Hảo cho hay: “Cái khó của việc duy trì vườn cam nằm ở chỗ, nó được trồng ngay trong vườn nhà dân. Tại khu vực đông dân cư, ngay trong vườn nhà mình thì không thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh; mùa hạn thiếu nước tưới cho cây, lũ lụt ập đến vườn cam lại ngập nước. Nhưng dường như càng khó trồng, càng hiếm, thì giống cam này càng quý, càng đắt đỏ!”.
Mảnh đất nơi vợ chồng ông ở chỉ có một khoảng sân nhỏ, phía trước màu xanh tràn ngập khu vườn. Nhìn vườn cam cây nào cây nấy quả trĩu cành, ông Hảo vẫn không khỏi lo âu: “Từ lúc ươm trồng cho đến giờ đã gần bốn chục năm rồi. Bốn chục năm, vườn cam của gia đình tôi đang ngày một già đi, sẽ đến lúc giống cây này bị thoái hóa. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người dân trồng cam trăn trở làm sao để bảo tồn, giữ được giống cam Xã Đoài. Có cách nào không?”.
Giá bán tại gốc bình quân 60.000 đồng/quả, mỗi cây bình quân cho thu hoạch 100 quả/vụ, nông dân trồng 100 gốc cam sẽ có thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm. “Đừng giàu trí tưởng bở! Không ngon ăn thế đâu! Sâu bệnh hoành hành, thiếu nước tưới, sản lượng thất thường, đừng tưởng dân trồng cam là ngồi mát ăn bát vàng. Không có chuyện đó đâu!”, ông Nguyễn Duy Hảo cười, đầy ẩn ý.
Từng lăn lộn một nắng hai sương ngoài đồng bãi, xông xáo mở mang cơ nghiệp bằng nghề trồng loại hoa quả đặc sản này, nhưng xem ra khó giàu. Thu nhập từ vườn cam, vợ chồng ông dành dụm nuôi con cái ăn học và cứ mỗi tết qua đi, khu vườn lại thêm vài ô đất trống. Chọn những cây đẹp nhất, sai quả nhất, ông bán cho khách mua làm cây cảnh đón xuân. Xót lòng, nhưng lại có tiền.
Cậu con trai cả thấy cha bán cả gốc lẫn ngọn, bèn lựa lời khuyên cha cố gắng giữ lấy khu vườn. Ông ngậm ngùi: “Tau cũng tiếc đứt ruột. Nhưng được giá thì nên bán đi, sau lại trồng cây khác, lo gì. Không bán, lấy tiền đâu mà nuôi chúng mày, hử!”.
Cái màu vàng rực mùa cam chín, cái màu vàng óng như mật trong thớ thịt của từng quả cam Xã Đoài và cả hương vị đặc trưng “thiên hạ đệ nhất cam” đã thấm sâu vào bữa ăn, giấc ngủ của những người mê mẩn nghề làm vườn như ông Hảo. “Phải biết cách thưởng thức, mới tận hưởng được mùi vị của cam Xã Đoài, chú ạ!”, ông Hảo nói.
Theo ông, khi sử dụng cam Xã Đoài, không nên dùng dao bổ dọc quả cam, mà nên dùng tay để bóc vỏ cam, sau đó dùng tay tách từng múi để ăn. “Có như vậy, mới cảm nhận được mùi hương quyến rũ của quả cam trồng trên đất Xã Đoài. Mùi hương, vị ngọt tuyệt vời ấy, lan tỏa từ những ngón tay!”.
Mai này, xứ Nghệ có còn “đệ nhất cam”?
Mê mải ở đất Nghi Diên đưa tôi lạc vào một khu vườn được bao bọc bởi tường thành cao ráo: Trung tâm phục tráng cam Xã Đoài, xóm 5, xã Nghi Diên, Nghi Lộc.
Chủ trang trại là anh Nguyễn Quốc Tuấn, hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Trên diện tích khoảng 12 ha, hơn 4.000 gốc cam trải dài ngút tầm mắt, cây nào cây nấy xanh mướt, trĩu quả.
Tuấn cho biết, phục tráng giống cam Xã Đoài là mơ ước của anh, nhằm “góp phần bảo tồn giống cam quí đang có nguy cơ tuyệt chủng”. Hàng nghìn gốc cam được trồng, chăm sóc từ năm 2009, đến nay đã cho thu hoạch bình quân mỗi cây 100 quả/vụ.
Để bảo đảm cho vườn cam sinh trưởng tốt, ông chủ Trung tâm phục tráng cam Xã Đoài thuê hàng chục công nhân bảo vệ, chăm sóc từng gốc cây. Ngoài ra, còn có một cán bộ Cục BVTV thường xuyên vào Nghệ An kiểm tra “sức khỏe” vườn cam, “kê đơn”, “bốc thuốc” diệt trừ sâu bệnh.
Tôi về Vinh, tìm gặp ông Doãn Trí Tuệ. Ông Tuệ nói: “Trước lại nay, không chỉ Sở NN-PTNT Nghệ An, mà ngành KH-CNMT của tỉnh cũng đã có nhiều dự án khôi phục giống cam Xã Đoài. Mần chán rồi, dự án mô cũng thất bại!”. Đưa cam Xã Đoài đến trồng ở vùng không hợp thổ nhưỡng, không xây dựng được hệ thống tưới, tiêu nước hợp lý, dẫn tới dự án đổ vỡ...
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo