Thấy dấu tích ba cây sưa trăm tỷ
Lâm tặc làm chủ rừng
Ông Lưu Minh Thành cho biết, sau 5 ngày lặn lội trong rừng, ngày 27/4 đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Huyên (PGĐ Vườn) chỉ huy đã trở về. Qua báo cáo sơ bộ, địa điểm ba gốc sưa bị đốn hạ ở hung Trí, đoàn phát hiện 3 hố sâu mới đào, rộng hơn 2m, xung quanh vương vãi một ít vai vỏ và mùn cưa gỗ sưa.
Đoàn đã lập biên bản, quay phim, chụp ảnh hiện trường rồi quay về, không tìm thấy một phiến gỗ nào. Ông Thành thừa nhận, gỗ đã bị lâm tặc tẩu tán hết, trong lúc đó người dân vẫn ùn ùn kéo nhau vào rừng, rất khó kiểm soát.
Một lâm tặc có mặt tại hiện trường cho biết, vị trí ba cây sưa nằm trong một hung nhỏ rộng khoảng 1.500m2 giữa hung Trí. Để vào được vị trí này phải vượt qua một vách đá tai mèo cao chừng 150m, rất hiểm trở.
Theo người này, trong 3 cây sưa có một cây đường kính đến 1,4m. Riêng cây sưa này, lâm tặc thu được trên 30m3 gỗ mặt, trong đó có ba bộ ngựa (phản) từ 0,8m đến 1,2m. Hai cây còn lại mỗi cây cho khoảng 1m3 gỗ.
Đêm 26 rạng sáng 27/4, hàng trăm lâm tặc gùi gỗ từ rừng ra đã vượt trạm chốt vực Trô an toàn, sau khi khống chế bảy kiểm lâm viên đóng chốt ở đây. Giải thích về “sự cố” này, ông Thành cho rằng, do huy động được lực lượng vào rừng hết, nên bố trí người ở đây hơi mỏng. |
Cũng theo lâm tặc này, do địa hình hiểm trở, nên phần lớn cành ngọn, gốc rễ sưa đã vận chuyển ra trước, hiện ở đây còn lại rất nhiều gỗ mặt.
Sau khi bị một nhóm đầu gấu vào uy hiếp lấy đi lượng gỗ trị giá chừng năm tỷ đồng, các đầu nậu đã huy động người chuyển gỗ vào các hang đá gần đó cất giấu và bỏ tiền thuê đầu gấu có hàng nóng từ các tỉnh lân cận về canh giữ.
Mặc dù ở khu vực này luôn thường trực trên dưới 2.000 người, chủ yếu là dân các xã trong vùng vào đây với hi vọng mót lại được một ít cành ngọn, nhưng tình hình vẫn đang được các đầu nậu kiểm soát.
Theo tìm hiểu của PV, thông tin trên là có cơ sở, bởi mới đây lực lương tuần tra Đồn Biên phòng Cà Xèng đã thu giữ gần 100kg cành, ngọn gỗ sưa do một nhóm người bỏ lại khi bị truy đuổi. Thông tin từ đồn Cà Xèng cũng cho biết, cơ quan này đang theo dõi hành tung của một nhóm đầu gấu từ Hà Tĩnh vào mang theo súng ống và mìn tự chế.
Bị phê bình
Thông báo số 709 ngày 24/4, về kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, nêu rõ: Để xảy ra sự việc nhiều người dân vào rừng tự do, trước hết là trách nhiệm của ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Theo đó, chủ rừng đã không làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực được giao quản lý; thiếu trách nhiệm, thiếu phối hợp với chính quyền và người dân sở tại để nắm bắt thông tin; không có phương án ngăn chặn kịp thời, để cho số lượng lớn người dân vào rừng; khi nắm được thông tin là có người khai thác gỗ huê (sưa)thì lúng túng trong xử lý, không kịp thời báo cáo tình hình cho Ủy ban Nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan để phối hợp, ngăn chặn và truy quét.
Theo đánh giá của Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, nếu không xử lý quyết liệt, dứt điểm vụ việc trên, sẽ dẫn đến hệ lụy là người dân sẽ tiếp tục đồn thổi và kéo nhau vào khu vực để tìm kiếm gỗ huê, gây mất ổn định, làm phức tạp tình hình an ninh trên địa bàn, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thông báo trên cũng đề cập đến một số giải pháp cấp bách, quyết liệt giao cho các ngành thực hiện. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực thi có hiệu quả, lâm tặc vẫn làm chủ rừng, gỗ sưa vẫn hàng ngày bị lâm tặc tuồn ra khỏi rừng.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo