Xã hội

Thấy lỗi thủy điện nhưng không nhận trách nhiệm

“Việc vận hành cũng như quy hoạch thủy điện vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ việc quy hoạch, đồng thời ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện vào năm 2014”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã giải thích rõ hơn về vấn đề cắt, xả lũ thủy điện trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 8/12. Tuy cho rằng việc vận hành cũng như quy hoạch thủy điện vẫn còn nhiều bất cập, song Bộ trưởng Bộ Công thương chưa nhìn nhận rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
 
Năm sau mới có quy trình vận hành liên hồ chứa
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc vận hành cũng như quy hoạch thủy điện vẫn còn nhiều bất cập.
 
“Chính vì vậy, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ việc quy hoạch, đồng thời ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện vào năm 2014”, ông Hoàng nói.
 
Chính phủ sẽ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện vào năm 2014
 
Liên quan đến tác hại của thủy điện cho môi trường, gây ngập úng cho vùng hạ du, cuốn trôi nhà cửa mùa màng và của cải của người dân... Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng nội dung này Chính phủ đã báo cáo Quốc hội trong các kỳ họp gần đây, nhất là kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/11/2013 đã phân tích rõ thực trạng của hoạt động thủy điện.
 
“Theo tôi thì chúng ta phải kiên quyết tìm và thực hiện những giải pháp căn cơ hơn để có thể khắc phục cơ bản những thiếu sót và tổn tại trong quá trình phát triển thủy điện”, ông Hoàng nói.
 
Nói về vấn đề giảm thiểu những tác dụng phụ của thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Chỉ có bằng các biện pháp khắc phục triệt để những tác động xấu của thủy điện thì mới góp phần làm cho người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện”.
 
Theo đó, Chính phủ cũng đã bàn bạc kỹ và thống nhất ban hành một Nghị quyết chuyên đề về vấn đề thủy điện, thắt chặt việc quản lý nhà nước trong quy hoạch thủy điện, tập trung vào một đầu. Vấn đề xem xét lại cơ chế phân cấp ủy quyền đối với các dự án thủy điện. Rà soát lại quy chế vận hành các hồ chứa và nếu còn thiếu thì phải ban hành. Kiên quyết yêu cầu trồng bù diện tích rừng mà đã bị thu hồi và xử lý nghiêm các sai phạm.
 
Ông Hoàng cũng cho biết, hiện nay, trong số 11 hệ thống liên hồ chứa, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy trình, còn lại 6 quy trình sẽ cố gắng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong năm 2014.
 
Như vậy, năm sau mới có quy trình vận hành liên hồ trong khi thủy điện vốn đã tồn tại từ lâu và dân cũng từng "hứng đủ" từ thủy điện mỗi khi mùa mưa lũ về.
 
Trong khi việc nhận trách nhiệm chưa thấy thì mới đây tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với lãnh đạo của 8 tỉnh miền Trung và các Bộ, ngành về vấn đề lũ lụt ở miền Trung liên quan đến thủy điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng theo báo cáo của các địa phương thời gian vừa qua, các chủ hồ cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong vận hành các hồ chứa thủy điện.
 
"Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đưa các quy trình này vào thực hiện khi các nội dung phê duyệt liên quan đến các quy trình đó không phải là hoàn toàn lý tưởng. Do đó, trong thời gian tới, cần xem xét kỹ hơn quy trình vận hành, đặc biệt là vận hành liên hồ chứa; trong đó có hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Nếu phát hiện sai sót, Bộ sẽ yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa”, ông Hoàng nói.
 
Và thực tế thủy điện chỉ làm lợi cho nhà đầu tư vốn được thạc sĩ Tô Thúy Nga (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) nói thẳng: việc cảnh báo xả lũ của các thủy điện trong đợt lũ vừa qua là chưa hợp lý. Các thủy điện đang mắc một thực trạng là tích nước cho đầy hồ nhưng khi nước quá lớn lại thi nhau xả.
 
Đại biểu Quốc hội vẫn chờ câu trả lời
 
Trước đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, nhiều câu hỏi “truy” trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thủy điện đã được nêu ra.
 
Đại biểu Nguyễn Thái Học, Phú Yên nói thẳng: vẫn còn có những nội dung, mặc dù nghị quyết của Quốc hội đã xác định cụ thể qua nhiều kỳ họp nhưng cho đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Một trong những nội dung tồn tại, hạn chế đó là vấn đề xem xét tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện, vấn đề này có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công thương.
 
Theo vị đại biểu này, đời sống của người dân tại các công trình thủy điện, vào mùa khô thì cạn kiệt nguồn nước, vào mùa mưa lũ thì lũ lụt như tình hình lũ lụt miền Trung hiện nay đang rất khó khăn. Đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất là cao.
 
Ông Học cho rằng, Nghị quyết số 30, nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, trong lĩnh vực công thương thì nghị quyết của Quốc hội có nêu rà soát, giải quyết dứt điểm, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện, bảo đảm nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
 
Khi đó điều hành phiên chất vấn thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có gợi ý là nghiên cứu để trích một phần lợi nhuận từ các công trình thủy điện để tái đầu tư cho dân nghèo, Nghị quyết số 40 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, nói về trách nhiệm của Bộ công thương, nghị quyết Quốc hội có nêu trong năm 2013 Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào vùng tái định cư các công trình thủy điện.
 
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng có ghi nhận ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội và hứa sẽ phối hợp các bộ, ngành để sớm ban hành chính sách.
 
“Như vậy, trong cả 2 kỳ họp thứ 3 và thứ 4, nghị quyết của Quốc hội đều giao cho Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cho đồng bào nghèo tại các công trình thủy điện, nghị quyết Quốc hội xác định trong năm 2013 chính sách này phải được ban hành. Thế nhưng, năm 2013 sắp kết thúc nhưng chính sách dành cho đồng bào nghèo, vùng tái định cư thủy điện theo nghị quyết của Quốc hội vẫn chưa được ban hành”, ông Học nói.
 
Vị đại biểu này cũng mạnh dạn nêu: “Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương nói rõ trách nhiệm của mình trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này như thế nào để Quốc hội chúng tôi có cơ sở báo cáo cử tri. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội”.
 
Nêu vấn đề thời sự hơn liên quan đến thủy điện và tác hại xấu của nó, đại biểu Đỗ Văn Đương, TP.HCM dẫn: dư luận cho rằng lũ chồng lũ do nguyên nhân từ xả nước không đúng quy định của các hồ chứa thủy điện, vậy tôi hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương chỗ này như thế nào?
 
Theo vị đại biểu này, phải ra một quy định trước khi bão đến, áp thấp nhiệt đới mưa lớn thì phải xả hết nước đi, tăng dung tích hồ chứa lên chứ cứ giữ lại đấy để mà phát điện kiếm một vài tỷ đồng, nhưng khi xả lũ hạ lưu thì sẽ gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và còn liên quan cả tính mạng người dân nữa thì phải có quy định như vậy và bắt buộc phải thực hiện như vậy.
 
“Nếu anh nào không làm thì phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái hoặc tội thiếu trách nhiệm hình sự hoặc tội gì đấy trong Bộ luật hình sự không thiếu thì mới đáp ứng được yêu cầu chứ không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu như vậy, tôi cho rằng không được.
 
Tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương có lẽ phải có quy định rất chặt chẽ như vậy, bây giờ nói phải đi đôi với làm”, ông Đương đề nghị.
 
Hàng loạt câu hỏi chất vấn được nêu nhưng khi đó Bộ trưởng Bộ Công thương đã đi công tác nước ngoài nên không thể trả lời các đại biểu nên thông tin vẫn còn treo đó. Nhiều đại biểu tỏ ra không hài lòng và vẫn mong nhận được trả lời từ vị trưởng ngành công thương đối với vấn đề thủy điện.
 
Tuy nhiên, phần đăng đàn của Bộ trưởng Công thương với những giải thích về thủy điện xem ra vẫn chưa thỏa đáng!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo