Một số kết quả từ cuộc điều tra của viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (bộ Khoa học và công nghệ) cho thấy, chỉ có 23% các doanh nghiệp được điều tra có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Điều đặc biệt, có 77% doanh nghiệp không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay đổi mới làm chủ công nghệ.
(SGTT) “Học lớp 12, tui định làm cái gì đó với ruộng nhà tiếp cha tôi. Cha tui nói, có miếng đất, cả đời làm không thấy khá. Cho con đi học để có nghề lại muốn quay về làm vườn, làm sao khá được?” – ông Châu Thanh Tùng, người đoạt giải tại hội thi khoa học sáng tạo của tỉnh Đồng Tháp, được cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền sáng chế từ năm 2011, kể chuyện cái thời chưa hoàn thiện sáng chế làm máy sạc điện tự động.
“Lập công ty Ngọc Ngân ở ấp Phú Bình, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, cơ ngơi sản xuất rất lèng phèng”, ông Tùng nói. Nhưng một người thợ sửa điện tử, thợ làm bình sạc accu tạo ra cơ ngơi như vậy là cố gắng lớn, và ông đang làm nên chuyện. Xe hơi vẫn xài bình, điện thoại cần sạc pin, cúp điện thường xuyên, nên máy sạc từ 5 – 50A hướng tới 1KVA của Ngọc Ngân có sức “càn lướt” ở các cửa hàng điện máy. Đây là sản phẩm được thu nhỏ, giá thành hạ, thời gian cung cấp điện dài hơn, lại khắc phục được tình trạng cháy khi cắm lộn cọc.
Một chỗ sản xuất ngăn nắp, tinh tươm và tình trạng từ hợp tác phân phối tới gia công không cho ghi nơi sản xuất của những tay đặt hàng mưu mô, đang là cái khó của ông chủ nhỏ. Ông tự hiểu không có con đường để nghĩ tới việc cày cuốc nữa. Cuộc sống với bằng sáng chế đã được bảo hộ và phải tiếp tục suy nghĩ để nâng cao sức cạnh tranh, sống còn. Con đường chông gai trước mắt còn dài, nhưng nhờ làm chủ công nghệ, ông Tùng có nền tảng để đi tiếp...
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn tìm công nghệ mới. Tại Việt Nam, bà Nguyễn Mỹ Thuận, tổng thư ký hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ cho biết có đến 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), phần lớn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2 – 3 thế hệ. Công nghệ sản xuất, công nghệ quản trị phải được đổi mới. Trong khi đó, bà Thuận dẫn nguồn thông tin từ cục Ứng dụng phát triển công nghệ, cho biết mức kinh phí dành cho nghiên cứu – phát triển không quá 0,7% GDP, (tương đương khoảng 700 triệu USD/năm).
PGS.TS Mai Văn Nam, trường đại học Cần Thơ, cho rằng bốn yếu tố: định phí, biến phí, quản lý – lợi nhuận và chất lượng môi trường sẽ chịu tác động nếu đổi mới công nghệ. Vì đổi mới ảnh hưởng tới tổng thể nên nhiều đơn vị sợ đụng chạm tới mọi thứ trong lúc này. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để đổi mới công nghệ. Trong khi đó, theo các sở khoa học và công nghệ địa phương, Nhà nước có rất nhiều chính sách phát triển công nghệ, nhiều thông tư hướng dẫn… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, thậm chí lãnh đạo một sở Công thương địa phương nói, kinh phí đó chủ yếu rót cho những công trình nghiên cứu thôi, ít khi rót trực tiếp cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
“Đổi mới công nghệ chỉ là một mắt xích trong chuỗi sản xuất”, bà Brigette Bruhin, tổng giám đốc cơ quan Hợp tác phát triển kinh tế Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, nói. Và theo bà, nguồn cung cấp thông tin sáng tạo và hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở rất quan trọng. Khi hai điều này rất khó tìm với tất cả doanh nghiệp địa phương, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng khó khăn hơn khi tự ngụp lặn trong môi trường chỉ có 0,7 % GDP dành cho R&D. Trong khi đó, nhan nhản chương trình, ý tưởng, thậm chí trò chơi… nhiều doanh nghiệp phải mua từ nước ngoài.
Hoàng Lan