Quốc tế

Thế giới khó tìm lời giải cho bài toán cắt giảm khí thải

Các nhà hoạt động môi trường lo ngại Hội nghị khí hậu Doha khó giải quyết được thách thức căn bản của Nghị định thư Kyoto.

Ngày 26/11, Hội nghị khí hậu Doha khai mạc tại Qatar với mục tiêu đạt được một thỏa thuận cho việc gia hạn Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải của các nước phát triển sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Câu chuyện về trách nhiệm cắt giảm khí thải giữa các nước phát triển và đang phát triển, nguyên nhân chính cản trở việc gia hạn Kyoto vẫn được cho là chủ đề chính tại Hội nghị lần này. Câu hỏi mà các nhà hoạt động môi trường đặt ra trước thềm Hội nghị khí hậu Doha là liệu các nước có giải quyết được thách thức căn bản của Nghị định thư Kyoto hay không?

Trong 12 ngày họp sắp tới, đại biểu từ gần 200 nước trên thế giới phải tìm được tiếng nói chung trong việc gia hạn Nghị định thư Kyoto năm 1997. Hội nghị lần này còn đặt tham vọng đặt nền móng cho 1 hiệp định cắt giảm khí thải mở rộng đối với tất cả các nước dự kiến khởi động đàm phán vào năm 2015.

Tuy nhiên, sau nhiều lần đàm phán mà không có đột phá nào, nhiệm vụ này ngày càng khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và việc Nga, Nhật Bản và Canada đã rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Các nước này cho rằng việc gia hạn nghị định này sẽ trở nên vô nghĩa nếu các nước đang phát triển mạnh mẽ và tạo ra phần lớn lượng khí thải như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không bị ràng buộc bởi bất cứ cam kết nào tương tự.

Trong khi đó, các nước đang phát triển cho rằng những nước giàu phải đi trước để tạo tiền đề cho việc mở rộng mô hình này, tạo một hiệp định toàn cầu về cắt giảm khí thải dự kiến được đưa ra thảo luận vào năm 2015 và có hiệu lực vào năm 2020.

Phát biểu trước thềm hội nghị Doha, ông Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua), Trưởng đoàn đám phán về biến đổi khí hậu của Trung Quốc nêu rõ: “Vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết ở Hội nghị khí hậu Doha lần này là các nước phát triển phải giảm khí thải theo Nghị định thư Kyoto và cam kết cho giai đoạn 2 của nghị định này. Các nước phát triển chưa tham gia Nghị định thư Kyoto hoặc chuẩn bị tham gia giai đoạn 2 của nghị định này cũng cần phải cam kết giảm khí thải tương xứng với lượng cắt giảm của các nước còn lại. Họ cần phải đặt ra các mục tiêu cụ thể. Về phía Trung Quốc, chúng tôi cũng chắc chắn sẽ không tiếp tục phát triển theo lối truyền thống bởi điều đó không bền vững cho tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và môi trường của chúng tôi”.

Một nghiên cứu của Cơ quan Viện trợ quốc tế Oxfam công bố ngày 25/11 chỉ ra rằng, các nước phát triển vẫn chưa thực hiện được cam kết hỗ trợ 10 tỷ USD mỗi năm cho các nước phát triển chống lại biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2010 đến 2012. Các nước cũng chưa có hứa hẹn nào cho giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019 . Tuy nhiên, nếu không thể nhất trí gia hạn nghị định thư Kyoto thì khó có thể tin rằng Hội nghị sẽ đặt được nền móng cho một hiệp định cắt giảm khí thải mở rộng đối với tất cả các nước vào năm 2020.

Trong khi đó, các nhà hoạt động môi trường cho rằng việc hoạch định chính sách tốn quá nhiều thời gian mà vẫn chưa tìm được một hướng đi đúng. Tiến sỹ Gavin Schmidt, một nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu tại Viện nghiên Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nói: “Vấn đề khí thải đang là một vấn đề toàn cầu, do đó, chúng ta cần phải có một sự nhất trí toàn cầu về cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, tôi nhận thấy phần lớn thời gian qua chúng ta tranh cãi về trách nhiệm này nhưng cuối cùng vẫn chưa xoay chuyển được tình thế thậm chí có thể nói là chưa đi đúng hướng”.

Nếu Hội nghị khí hậu Doha lần này không đạt được thỏa thuận nào về việc gia hạn Nghị định thư Kyoto từ năm sau, sẽ không còn bất cứ một cơ chế toàn cầu nào quy định trách nhiệm cắt giảm khí nhà kính. Trong khi đó, một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc công bố ngay trước thềm hội nghị này cảnh báo, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng lớn khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên khoảng 3 đến 5 độ C. Mức thay đổi này sẽ tác động khủng khiếp đến khí hậu, nguồn nước và lương thực của con người./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo