Thế giới năm 2015: Quá nhiều bất ổn và nguy cơ
Các chuyên gia và tổ chức quốc tế dự báo sau một năm 2014 đầy biến động, chính trường thế giới năm 2015 vẫn sẽ tiếp tục bất ổn và ẩn chứa nhiều nguy cơ an ninh nghiêm trọng.
Từ đầu năm 2014 cho tới những ngày cuối cùng, hàng loạt cuộc khủng hoảng đã nổ ra trên phạm vi toàn cầu. Có thể kể đến sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đối đầu Nga - phương Tây vì cuộc chiến tranh Ukraine, bất ổn trên biển Đông do các hành vi đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, đại dịch Ebola, giá dầu giảm khiến nền kinh tế Nga khủng hoảng, CHDCND Triều Tiên bị cáo buộc tấn công mạng Hãng phim Sony Pictures…
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), tổ chức học thuật hàng đầu nước Mỹ, công bố bản báo cáo Dự báo toàn cầu 2015 dày hơn 100 trang.
Vào những ngày cuối năm, các chuyên gia quốc tế cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về tình hình chính trị thế giới năm 2015. Quan điểm chung là những biến động sẽ tiếp tục bùng nổ.
“Thông thường sau một năm như thế này người ta trông đợi tình hình sẽ yên ả trở lại. Nhưng không vấn đề nào của năm 2014 đã được giải quyết và các yếu tố thúc đẩy chúng vẫn tồn tại” - Reuters dẫn lời chuyên gia John Bassett, cựu quan chức Cơ quan Tình báo Anh - GCHQ, bình luận.
Dưới đây là các dự báo của CSIS và một số chuyên gia quốc tế về tình hình thế giới năm 2015.
IS siết chặt kiểm soát “nhà nước”
Theo trang International Business Times, Tổ chức Nghiên cứu và phân tích khủng bố (TRAC - Mỹ) dự báo trong năm 2015, IS sẽ tập trung tiêu diệt các tổ chức đối thủ địa phương để siết chặt kiểm soát các vùng lãnh thổ đã chiếm được ở Iraq và Syria.
“Năm 2015 sẽ là năm IS vận hành như một chính phủ thay vì một tổ chức khủng bố” - chuyên gia TRAC Jasmine Opperman nhận định.
Chuyên gia Raffaello Pantucci của Viện Royal United Services (Anh) đánh giá IS sẽ không thể mở rộng lãnh thổ trong năm 2015 vì phải đối phó với các đợt không kích của liên quân. Do đó nhóm này sẽ cố giữ những gì đã có được.
Tuy nhiên TRAC cho rằng IS vẫn sẽ tiếp tục các chiêu thức man rợ như chặt đầu và tàn sát hàng loạt để kêu gọi sự ủng hộ của cực đoan toàn cầu.
“IS có ý đồ bình thường hóa các hành vi bạo lực” - nhà phân tích Harleen Gambhir của Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ) nhấn mạnh. IS cũng sẽ khuyến khích các vụ tấn công “sói cô độc” ở các nước phương Tây thay vì tổ chức các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn. Các tay súng IS trở về châu Âu và Mỹ sẽ là mối đe dọa lớn.
Báo cáo của CSIS cho rằng Mỹ và các nước đồng minh không có nhiều lựa chọn trong chiến dịch chống IS ngoài nỗ lực ngăn chặn các tay súng nước ngoài tới Iraq và Syria để gia nhập tổ chức khủng bố này.
Nga khó dự đoán
Hãng tin Al Jazeera dẫn lời một số nhà phân tích phương Tây đánh giá bất chấp sức ép cấm vận và giá dầu giảm đối với nền kinh tế Nga, Tổng thống Vladimir Putin sẽ không lùi bước trong năm 2015.
Chuyên gia Joerg Forbrig thuộc Quỹ German-Marshall (Đức) cho rằng ông Putin sẽ đặt cược rằng Liên minh châu Âu (EU) không dám mở rộng trừng phạt Nga.
Hiện tại tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho ông Putin vẫn lên tới 80%. Mới đây báo Moscow Times khẳng định người Nga ghét nhất việc bị phương Tây gây sức ép.
Do đó ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ của người dân Nga dù nền kinh tế Nga sẽ rơi vào khủng hoảng trong năm 2015, trong khi một số nhà phân tích phương Tây cho rằng có thể sẽ có biểu tình ở Nga vì kinh tế suy thoái.
Báo cáo của CSIS dự đoán đối với cả Nga và phương Tây, năm 2015 sẽ là quãng thời gian thử thách ý chí đôi bên. “Nga cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận nỗi đau cấm vận kinh tế, còn phương Tây cũng chấp nhận thiệt hại để gây sức ép lên Matxcơva. Tình hình này đang trở thành một cuộc xung đột băng giá và cả hai bên cùng chuẩn bị cho một đối đầu kéo dài” - báo cáo CSIS nhấn mạnh.
Do hai bên quyết đối đầu nên Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) dự báo các cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và phe ly khai thân Nga ở miền đông sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2015.
Nguy cơ xung đột trên biển châu Á
CFR dự báo có 50% khả năng một cuộc đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc với một hoặc vài quốc gia Đông Nam Á sẽ nổ ra trên biển Đông trong năm 2015 do các hành vi đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. CRF cho rằng do có hiệp ước phòng thủ với Philippines, Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc xung đột này.
Việc Trung Quốc và các nước Đông Nam Á không thể giải quyết xung đột theo đường ngoại giao có thể hủy hoại hệ thống luật pháp quốc tế quản lý tranh chấp trên biển, dẫn tới các cuộc chạy đua vũ trang.
CFR cũng đánh giá căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật trên biển Hoa Đông sẽ leo thang nghiêm trọng trong năm 2015 do chủ nghĩa dân tộc đang thổi lửa ở cả hai nước. Xung đột tại vùng biển châu Á có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương mại toàn cầu.
Báo cáo của CSIS lạc quan hơn khi nhận định Mỹ tiếp tục vai trò đảm bảo an ninh và ngăn chặn xung đột ở châu Á.
CSIS dự báo Mỹ sẽ thắt chặt chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á với việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015, tăng cường quan hệ liên minh quân sự với Nhật và các nước khu vực, thừa nhận vai trò cân bằng chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
CHDCND Triều Tiên sẽ thử hạt nhân
Theo CFR, trong năm 2015 CHDCND Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển và thử vũ khí hạt nhân, khiến căng thẳng trong khu vực leo thang. Chính phủ Mỹ từng ước tính CHDCND Triều Tiên có đủ plutonium để sản xuất năm bom hạt nhân.
Báo cáo của CSIS cũng khẳng định chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ thử cả vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trong năm 2015.
CSIS cho biết để đối phó với nguy cơ này, Chính phủ Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng với Hàn Quốc, mở rộng lá chắn tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm hệ thống THAAD. Washington và Seoul cũng sẽ liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn để mài sắc năng lực phòng vệ nhằm đối phó với nguy cơ từ CHDNCD Triều Tiên.
CSIS nhận định dù Hàn Quốc e ngại, nhưng nhiều khả năng tam giác hợp tác quân sự Mỹ - Hàn - Nhật sẽ là phương thức tốt nhất để khu vực ngăn chặn nguy cơ bất ổn từ CHDCND Triều Tiên.
Chiến tranh mạng lan rộng
CFR và Hãng an ninh mạng McAfee dự báo trong năm 2015, các vụ tấn công mạng sẽ tăng vọt. McAfee đánh giá các tổ chức khủng bố và các quốc gia nhỏ sẽ dùng chiến tranh mạng để làm tê liệt hệ thống mạng của các đối thủ. Chiêu thức phổ biến nhất sẽ là đòn tấn công từ chối dịch vụ (DoS).
CFR cảnh báo nguy cơ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ sẽ hứng chịu những vụ tấn công mạng mang tính tàn phá. Trong những ngày cuối năm 2014, cả thế giới đã xôn xao với vụ CHDCND Triều Tiên bị cáo buộc tấn công mạng Hãng phim Sony Pictures ở Mỹ. Sau đó hệ thống Internet của CHDCND Triều Tiên rơi vào cảnh chập chờn.
Bất ổn ở Tân Cương (Trung Quốc) leo thang
CFR dự báo trong năm 2015 Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với bất ổn chính trị leo thang ở Tân Cương, nơi người dân tộc Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số. Trong năm 2014 đã xảy ra hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Tân Cương khiến hàng trăm người thiệt mạng và bị thương. Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hàng trăm nghi can và tử hình hàng chục người.
Dịch Ebola sẽ kéo dài
Hãng tin BBC dẫn lời giáo sư Peter Piot, một trong những người phát hiện virút Ebola, dự báo dịch Ebola ở Tây Phi có thể kéo dài đến hết năm. Bởi sẽ phải mất nhiều thời gian để phát triển văcxin chống virút tử thần này. “Đây là một đại dịch có cái đuôi rất dài và chúng ta cần chuẩn bị cho cả năm 2015” - ông Piot nhấn mạnh.
Báo cáo của CSIS cho biết theo tình huống xấu nhất mà Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ đặt ra, số người nhiễm bệnh ở Tây Phi có thể lên đến 1,4 triệu vào tháng 1-2015.
Tuy nhiên CSIS cho rằng dịch Ebola sẽ bước vào giai đoạn cuối trong năm 2015. Ngân hàng Thế giới đánh giá thiệt hại tài chính các nước Tây Phi phải hứng chịu trong năm 2015 vì dịch Ebola lên đến 4 tỉ USD.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo