Thế giới nói về vị thế mới của Việt Nam trước thềm APEC 2017
Ngày 1/11, tại thủ đô Moscow (Nga), Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề: "Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực", theo TTXVN.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư Oksana Novakova của Viện các nước Á-Phi thuộc Trường đại học tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU) nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế và sẽ thúc đẩy nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn.
Chia sẻ ý kiến này, chuyên gia Anna Aksenova, giảng viên đại học MGU cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ sự phát triển năng động; tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao (trong giai đoạn 2010 -2016 trung bình đạt mức 6%). Điều đáng nói là những nhà đầu tư chủ chốt tại Việt Nam đến từ các nước thành viên APEC, vốn gần gũi về mặt địa lý và có lợi ích chung, hội nhập trong khuôn khổ các liên minh khu vực.
Trong khi đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã đăng tải bài viết bình luận về vai trò của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 10-11/11.Theo báo này, Đà Nẵng được xem là thành phố cảng nổi tiếng nhất của Việt Nam, và sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Bên cạnh hợp tác kinh tế, Hội nghị Cấp cao APEC lần này cũng đem lại một cơ hội có một không hai.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Đà Nẵng, Việt Nam có thể cho thấy sự tinh tế về mặt ngoại giao, vốn đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngoài ra, theo tờ Bangkok Post, Việt Nam cũng sẽ tận dụng Hội nghị Cấp cao APEC lần này để hối thúc Washington đưa ra một lập trường rõ ràng hơn về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ ủng hộ các nghiên cứu khoa học “Sáng kiến Á-Âu” Georgi Chofimchuk đã có bài viết đăng trên trang Trung tâm ASEAN (của Học viện Ngoại giao Nga) về vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.
Theo tác giả, ngoài APEC, Việt Nam hiện còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Không một tổ chức nào Việt Nam tham gia một cách lấy lệ, mà luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn.
Vai trò và uy tín của Việt Nam còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo.
Cũng theo ông Chofimchuk, Việt Nam là một biểu tượng mạnh. Lập luận cho nhận định này, ông đã nhắc lại sự kiện năm 1965 tại Đà Nẵng, nơi khởi đầu cho sự can thiệp từ bên ngoài vào chiến tranh Việt Nam - và cũng chính thành phố này năm 2017 đang trở thành nơi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017. Chuyên gia Chofimchuk nhấn mạnh với chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, dù ở trong khu vực rất phức tạp, Việt Nam vẫn tạo ra sự khác biệt giữa đồng minh và đối tác.
Đến nay, có thể nói các hoạt động của APEC đã diễn ra suôn sẻ, đạt mục tiêu đề ra. Đó là nhờ có sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả và người dân. Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Năm APEC VN 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển và an ninh của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo