Xã hội

Thế mạnh của sinh viên mới ra trường

Có những “chiêu” giúp sinh viên mới ra trường, không có kinh nghiệm làm việc có thể vượt qua những rào cản để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Tính khao khát nghề nghiệp, không ngại khó là những thế mạnh của nhiều sinh viên mới  ra trường. - Ảnh: Nguyễn Như

 
Ứng viên đầy tiềm năng
 
Trong chương trình Ngày hội việc làm diễn ra vào cuối tháng 10.2014 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, một nữ sinh viên (SV) tên Hân nêu thắc mắc: “Em đang học ngành xã hội học. Em nhận thấy nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có nhiều kinh nghiệm, trong khi SV mới ra trường sao mà có được! Tụi em nên làm gì?”.
 
Bà Phùng Thị Kim Ngân, chuyên viên tuyển dụng của Công ty tư vấn và hỗ trợ giáo dục Điểm Tựa, đưa ra lời khuyên: “Bạn nên làm thêm những công việc hỗ trợ cho nghề nghiệp của bạn sau này. Thậm chí, những kinh nghiệm làm thêm đó dù không đúng chuyên ngành nhưng vẫn giúp bạn tích lũy được những kỹ năng hữu ích. Trên thực tế, có những công ty tuyển người vào rồi sẽ đào tạo lại”.
 
Bà Kim Ngân kể: “Tôi từng nhận một hồ sơ xin việc rất ấn tượng. Bạn đó mạnh dạn viết là có ngoại hình đẹp, có sức khỏe và có thời gian, với dự định dành 5 năm đầu toàn tâm toàn ý lo cho công việc”. Bà Ngân khẳng định: “Đây chính là những thế mạnh vượt trội khi không có kinh nghiệm. Tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó, kỹ năng học hỏi và nắm bắt vấn đề nhanh sẽ giúp SV mới ra trường tự tạo nên hình ảnh ứng viên đầy tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Phó trưởng khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng: Ưu thế của những SV mới ra trường là nỗi khao khát nghề nghiệp. Điều này trở thành động lực giúp họ phấn đấu vươn lên. Trong khi đó, những người có kinh nghiệm đôi khi giảm dần tính khao khát nghề nghiệp, bởi lúc đó họ bắt đầu tính toán những mối lợi riêng.
 
“Tôi thấy một số doanh nghiệp hiện nay ghi thẳng vô mục tuyển dụng là không quan tâm nhiều đến bằng cấp, kinh nghiệm mà quan tâm đến thái độ. Thái độ rất quan trọng, vì nếu người giỏi mà không cầu tiến và những người quen thói làm ít hưởng nhiều, làm qua loa cho xong thì công việc sẽ trì trệ. Doanh nghiệp cần người lao động có tinh thần khai phóng, tức là tâm hồn nhân văn biết quý trọng giá trị của công việc”, tiến sĩ Lộc nhấn mạnh.
 
Kiên trì với mục tiêu
 
Chiếm phần lớn trong số người lao động đến tìm việc tại Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm thanh niên TP.HCM là những SV mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, không có việc làm hoặc phải làm trái nghề.
 
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc trung tâm này nói: “Nếu điều kiện chưa cho phép mà bạn cứ khăng khăng đòi hỏi làm đúng công việc chuyên môn của mình, thì bạn sẽ không có cơ hội hòa nhập thực tế, không có điều kiện đi làm trong công ty và không có thu nhập trang trải cuộc sống. Điều quan trọng là bạn cần kiên trì với mục tiêu của mình trong thời gian phải làm công việc khác”.
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, hiện nay có độ vênh giữa nhu cầu tuyển dụng từ xã hội và khả năng của SV. Vì vậy, có những SV phải chấp nhận thời gian đầu để thử việc, học việc không lương hoặc nhận ít trợ cấp. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, các bạn có cơ hội chuyển sang công việc xã hội đang cần.
 
Tiến sĩ Lộc khẳng định, ngay trong những trường ĐH, vẫn có một số chương trình tuyển dụng đưa SV năm thứ ba đi thực tập thực tế. “Các bạn có thể tham gia làm cộng tác viên, làm những công việc nhìn có vẻ rất nhỏ nhặt, và hãy làm với tinh thần tích lũy, học hỏi. Cần bắt đầu từ công việc rất nhỏ để nuôi dưỡng nghề nghiệp”, tiến sĩ Lộc nhắn nhủ.
 
 
Theo Thanh niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo