Thể thao

4 điểm nhấn chiến thuật độc đáo nhất Premier League 2019/20

Trong mùa thăng hoa của Liverpool, Premier League không chỉ được chứng kiến sức mạnh từ cặp hậu vệ cánh của The Reds mà cùng với đó, mở mang tầm mắt với những sáng tạo hệ thống độc đáo từ các chiến lược gia hàng đầu thế giới.

Tạm dừng giải VĐQG V.League 2020 để phòng chống dịch COVID-19 / Pogba đang nắm 'quyền sinh sát' ở M.U

1. Các hậu vệ cánh thành chuyên gia kiến tạo

Khởi đi từ mùa trước, Liverpool đã rất tự hào về bộ đôi chạy dọc hành lang Trent Alexander-Arnold và Andy Robertson. Đến mùa này, sự ổn định của họ càng được phát huy và giải quyết rất nhiều thời điểm Liverpool gặp bế tắc. Tổng cộng, cặp đôi này đã kiến tạo tới 24 lần ở Premier League, trong đó Alexander-Arnold đóng góp 13 còn Robertson là 11.

Không có cặp hậu vệ cánh nào chuyền bóng xuất sắc như bộ đôi của Liverpool. Nhưng điều đáng nói là lối chơi của Robertson và Alexander-Arnold biến hóa khôn lường. Trong rất nhiều trường hợp, họ được tự do thi đấu như những playmaker (cầu thủ dẫn dắt lối chơi) chứ không phải những hậu vệ cánh nữa. Đó là lý do chúng ta thường xuyên thấy Alexander-Arnold bó vào trong đột phá hoặc phối hợp tam giác với các tiền vệ và tiền đạo, rồi thậm chí còn dứt điểm. Thế nên, ngoài 13 đường kiến tạo, hậu vệ 21 tuổi người Anh đã có 4 bàn thắng mùa này.

Nguồn sáng tạo của Liverpool

Nguồn sáng tạo của Liverpool

Tương tự, Robertson, ngoài nhiệm vụ tạt bóng, cũng là một mũi khoan lợi hại từ cánh trái thọc thẳng vào trung lộ nhờ tốc độ và kỹ thuật. Mùa này, hậu vệ người Scotland cũng nổ súng được 2 lần.

Sử dụng các hậu vệ cánh linh hoạt được như Liverpool, ở Premier League mùa này không có đội nào làm được. Và ở đó, ngoài năng lực chuyên môn của bộ đôi hậu vệ biên, còn có dấu ấn rõ rệt của HLV Juergen Klopp. Nhà cầm quân người Đức đã cho Liverpool theo đuổi ngón đòn này suốt 3 mùa giải qua, để rồi lúc này, họ đã thành thục đến nỗi cứ gặp The Reds là các đội Premier League phải bật chế độ báo động cao nhất ở những khu vực mà Robertson và Alexander-Arnold thường hoạt đông. Không chỉ ở hai biên, mà còn cả ở phía trước cặp trung vệ, vì bộ đôi đá biên của Liverpool quá lợi hại mỗi khi bó vào chơi như playmaker.

2. Hệ thống đối xứng của Leicester

Với lực lượng của mình, không nhiều người dám nghĩ Leicester có thể lọt nhóm cạnh tranh dự cúp châu Âu chứ đừng nói là cạnh tranh sòng phẳng với hai ông lớn lắm tiền nhiều của Man United và Chelsea cho chiếc vé dự Champions League. Công lớn ở đây thuộc về Brendan Rodgers khi ông đã rất biết "liệu cơm gắp mắm", tạo ra một hệ thống phát huy tối đa những gì có trong tay.

Bí quyết của Rodgers chính là hệ thống 4-1-4-1. Cựu HLV Liverpool đã biết cách tạo nên sự kết hợp giữa bóng đá kiểm soát bình tĩnh và những đường chuyền chéo sân bất thình lình vào khu vực 1/3 sân đối phương. Jamie Vardy trong vai trò trung phong duy nhất được yêu cầu chơi hẹp lại, chạy ít hơn ra ngoài hai biên nên luôn luôn có mặt đúng chỗ để đón những đường chuyền tưởng chừng rất mơ hồ từ tuyến dưới.

Điểm yếu hiếm hoi của Leicester là lực lượng mỏng

Hệ thống này có chút gì đó khá giống với lối chơi Pep Guardiola xây dựng ở Man City, Khi Wifried Ndidi là tiền vệ trụ duy nhất làm nhiệm vụ thu hồi và phân phối bóng. Phía bên trên, James Maddison và Youri Tielemans chính là Kevin de Bruyne và David Silva của Rodgers trong vai trò sáng tạo.

 

Ở hai cánh, Harvey Barnes, Ayoze Pérez, Demarai Gray thay phiên nhau khuấy đảo và làm nhiễu cách bố trí phòng ngự của đối phương. Nếu không vì những chấn thương nghiêm trọng của Maddison, Ricardo Pereira và Ben Chilwell thì Leicester đã không hụt hơi trong giai đoạn cuối mùa giải.

3. Trung vệ chồng biên

Đây chính là ngón đòn đặc sản của HLV Chris Wilder, người đã đưa Sheffield bay cao ngay trong mùa đầu góp mặt ở Premier League. Dưới cây đũa thần của Wilder, Sheffield bỗng trở thành đối thủ khó bị đánh bại và rất biết cách lấy điểm của những đội bóng lớn. Trên hành trình gây bất ngờ trên BXH mùa này, đội chủ sân Bramall Lane từng đánh bại Arsenal, cầm hòa Chelsea, Tottenham và M.U. Một trong những yếu tố làm nên thành tích ấy là ngón đòn độc đáo của Wilder: Đưa các trung vệ lên chồng biên.

Trong sơ đồ 3 trung vệ (3-4-3 hoặc 3-5-2) mà Wilder hay sử dụng, mỗi khi Sheffield có bóng, 1 trong 2 trung vệ lệch cánh sẽ lên tham gia chồng biên. Khi ấy, ví dụ một trung vệ lệch trái dâng lên chồng cánh, thì wing-back lệch trái sẽ bó vào trong lấp khoảng trống của trung vệ. Còn vị trí mà wing-back lệch trái để lại bên phần sân nhà sẽ được một tiền vệ trung tâm trám vào. Với cách chơi này, Sheffield có thêm người ở hai cánh và các pha tấn công biên của họ hiệu quả, tiềm ẩn nhiều đột biến hơn.

Sheffield xứng đáng là bất ngờ lớn nhất giải

Ở Premier League 2019/20, chỉ có Sheffield sử dụng chiến thuật này và tính hiệu quả của lối đá biến hóa mà họ theo đuổi có thể thấy qua việc, ở đội bóng của Wilder, ai cũng có thể là người hùng mang về chiến thắng. Không chỉ những tiền đạo như Lys Mousset hay Oliver McBurnie mà cả các hậu vệ cánh George Baldock, Enda Stevens cho tới tiền vệ trung tâm Oliver Norwood hay trung vệ John Egan cũng biết lập công.

 

4. Thoát pressing từ khu cấm địa

Mùa này, luật mới cho phép các đội vào tranh chấp ngay khi bóng rời chân thủ môn thay vì phải đợi bóng ra khỏi vòng 16m50 như ngày trước. Sự thay đổi tưởng như rất nhỏ này lại tạo điều kiện cực lớn để những đội giỏi phát triển bóng từ hàng thủ như Man City triển khai ngón đòn mới: thoát pressing từ khu cấm địa.

Theo đó, Man xanh thường xuyên đập nhả giữa thủ môn và các trung vệ trong khu vực 16m50, nhử cho đối thủ dâng cao pressing săn bóng. Thế rồi, nhờ vào kỹ năng chơi chân cực tốt của thủ thành Ederson và khả năng chuyền dài xuất sắc của các hậu vệ, Man City thoát pressing bằng những đường bóng vượt tuyến, mở ra các cơ hội tấn công khi đối phương chưa kịp lùi về.

Man City coi Ederson là một mắt xích quan trọng trong luân chuyển bóng

Chiến thuật này khiến Man City, dù bị Liverpool bỏ xa trên BXH, vẫn là đội bóng chơi tấn công xuất sắc nhất Premier League mùa này. Và cũng như Sheffield, lối đá táo bạo, nhiều bất ngờ của Man xanh giúp họ có rất nhiều cầu thủ góp mặt trên bảng tỷ số. Không chỉ những tiền đạo, ngay cả 2 tiền vệ phòng ngự Rodri và Guendogan cũng đã có những bàn thắng cho riêng mình.

Học theo Man City, một loạt các đội bóng khác sở hữu thủ môn và hàng thủ sử dụng chân khéo léo cũng triển khai việc xây dựng bóng từ tận vòng cấm của mình. M.U, Tottenham và Arsenal là những đội bóng chịu khó học hỏi nhất. Đương nhiên, vẫn có những sai số nhất định nhưng tần suất thủ môn chuyền bóng cho hậu vệ ngay ở vòng cấm hứa hẹn vẫn sẽ tăng trong tương lai.

 

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm