10 năm qua, 7 cầu thủ Việt Nam đã lên đường ra nước ngoài thi đấu nhưng không phải ai cũng có được thành công như mong đợi.
Lê Công Vinh
Sau năm 2009 thi đấu ở Leixoies (Bồ Đào Nha), Lê Công Vinh nhận được bản hợp đồng ngắn hạn từ Consadole Sapporo. Dù chỉ chơi tại Nhật Bản trong vòng 4 tháng nhưng Công Vinh là trường hợp cầu thủ Việt Nam thành công nhất ở Nhật Bản.
Anh thi đấu 11 trận ở J.League 2 và Cúp Hoàng đế, cùng với đó là 4 bàn thắng cùng 2 đường kiến tạo. Công Vinh thậm chí còn được Consadole Sapporo đề nghị một bản hợp đồng 2 năm nhưng lại quyết định về Việt Nam thi đấu. Anh cũng chính là người mở đường cho làn sóng cầu thủ Việt Nam sang Nhật Bản sau đó.
Đặng Văn Lâm
Nếu như Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên sang Nhật Bản thi đấu thì thủ môn Đặng Văn Lâm là cái tên Việt Nam đầu tiên khoác áo một CLB tại J.League 1. Đó là Cerezo Osaka. Ngoài ra, Văn Lâm cũng là gương mặt Việt Nam đầu tiên sau khi xuất ngoại được hai CLB chiêu mộ với những bản hợp đồng mang tính dài hạn, thay vì chỉ là một vụ làm ăn mang tính ngắn hạn vốn thường thấy ở các cầu thủ Việt Nam sang nước ngoài chơi bóng.
Văn Lâm được Muangthong United bỏ ra 500.000 USD để mua lại hợp đồng từ Muangthong United năm 2018 trước khi đầu quân cho Cerezo Osaka.
Nguyễn Công Phượng
Tính đến nay, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong lịch sử thi đấu ở 3 CLB chuyên nghiệp thuộc 3 quốc gia ngoài Việt Nam. Anh đã thi đấu cho Mito Hollyhock (Nhật Bản), Incheon United (Hàn Quốc) và Sint Truidense (Bỉ), với tổng số là 20 trận đấu (909 phút).
Tuy nhiên, Công Phượng cũng để lại nhiều sự thất vọng. Anh thường xuyên phải ngồi dự bị khi sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ. Những gì mà tiền đạo này có được ở nước ngoài tính đến nay vẫn chỉ là 1 bàn thắng ở giải dự bị.
Đoàn Văn Hậu
Trước Công Phượng, Đoàn Văn Hậu đã sang châu Âu chơi bóng cho Heerenveen. CLB Hà Lan tạo nhiều điều kiện cho Văn Hậu được tiếp xúc với môi trường bóng đá châu Âu, từ cách tập luyện, sinh hoạt, dinh dưỡng đến thi đấu cho đội dự bị ở giải U21. Đáng lẽ ra, Văn Hậu có thể được chơi nhiều trận hơn cho đội hình chính, thay vì vỏn vẹn 4 phút ở Cúp Quốc gia Hà Lan trước Roda JC. Dịch Covid-19 đã khiến giải Hà Lan huỷ bỏ. Giấc mơ chơi bóng ở châu Âu của Văn Hậu với Heerenveen cũng khép lại từ ấy.
Lương Xuân Trường
Cũng như Công Phượng, Xuân Trường đã thi đấu cho 3 CLB của Hàn Quốc và Thái Lan. Anh cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng 2 năm liên tiếp ở nước ngoài. Và cũng như Văn Hậu, Công Phượng, Xuân Trường không được trao nhiều cơ hội ra sân. Ngay cả khi thi đấu cho Buriram United của Thái Lan, Xuân Trường cũng chỉ được đá 9 trận với 1 bàn thắng, 1 đường kiến tạo trước khi phải trở về HAGL.
Nguyễn Tuấn Anh
Kỷ niệm sang Yokohama FC năm 2016 của Tuấn Anh thật sự đáng quên. Anh chỉ có đúng 2 trận chơi ở Cúp Hoàng đế và ghi được vỏn vẹn 1 bàn thắng. Kể từ đó cho đến nay, Tuấn Anh không ra nước ngoài chơi bóng.
Nguyễn Hữu Khôi
Hữu Khôi là cầu thủ duy nhất của Việt Nam có được danh hiệu khi xuất ngoại trong vòng 10 năm trở lại đây. Anh cùng với Siheung City vô địch giải hạng Tư của Hàn Quốc. Trong mùa giải ấy, Hữu Khôi cũng đóng góp tới 5 bàn thắng trong thành công của CLB này trước khi trở lại Việt Nam.
Theo Phong Hàn/Goal