Thể thao

Bản nâng cấp Tan Cheng Hoe và nỗi ám ảnh thua HLV Park Hang-seo

Với những gì mình đang có, HLV Tan Cheng Hoe có thể tự tin khi hành quân sang Việt Nam, nhưng đâu đó vẫn còn nỗi lo mang tên Park Hang-seo.

Trong các phát biểu của HLV Tan Cheng Hoe từ khi thất bại tại AFF Cup 2018 tới nay, ông sử dụng rất nhiều từ “consistent” (kiên định).

Kiên định với triết lý chơi bóng. Kiên định với con đường mà cả nền bóng đá Malaysia đang xây dựng. Để giờ đây, điều đó đã tạo nên một đội bóng Malaysia khó chịu, năng nổ và không dễ bị đánh bại.

Trận đấu với Việt Nam ngày mai sẽ lại là một cơ hội để HLV 51 tuổi khẳng định sức mạnh của nền bóng đá Malaysia, đặc biệt sau khi đã không thể thắng được Việt Nam trong 3 lần gặp nhau gần nhất. Với những gì mình đang có, HLV Tan Cheng Hoe hoàn toàn có thể tự tin để làm điều đó.

Niềm tự tin có cơ sở

Trước tiên, để hiểu về cách vận hành của Malaysia, chúng ta cần nắm được đội hình của đội.

Đội hình chính của Malaysia tại 2 trận đầu tiên vòng loại World Cup 2022

Về cơ bản, Malaysia vận hành theo sơ đồ 4 – 2 – 3 – 1. So với AFF Cup 2018, lối chơi của đội bóng vẫn giữ nguyên, chỉ khác về mặt nhân sự. Đội bóng áo vàng vẫn chủ yếu thực hiện các đường lên bóng thông qua hai hành lang cánh.

Việc Radzak giải nghệ khiến Talaha được đẩy lên đá cao nhất trên hàng công. Nhiệm vụ làm bóng của anh ở khu vực trung lộ được bàn giao lại cho Syafiq Ahma. Với màn trình diễn từ đầu vòng loại World Cup 2022 tới giờ, sẽ không quá khi nói cầu thủ 24 tuổi chính là hạt nhân trung tâm của Malaysia.

Trong cách vận hành của Malaysia, Syafiq được được thi đấu tự do, có thể băng vào vòng cấm lại vừa có thể lùi về giữa sân thực hiện nhiệm vụ điều phối tùy vào từng tình huống cụ thể.

Trở thành điểm nối ở hành lang trong để hỗ trợ các cầu thủ bám biên cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Syafiq. Ví dụ ở trường hợp này, cầu thủ số 20 di chuyển về hành lang trong bên phải, thu hút hậu vệ đối phương để tạo khoảng trống cho Safawi.

Syafiq thường nhận bóng ở hành lang trong để phối bóng ra biên

Ở hai hành lang cánh (nơi tấn công chủ lực của Malaysia), Safawi được giao cánh trái và Sumareh đảm nhiệm cánh phải.

Safawi sẽ thường xuyên bó vào trong, hỗ trợ việc xây dựng ở trong trung lộ cùng với Syafiq. Khi này, hậu vệ trái Corbin Ong sẽ dâng cao đảm nhiệm khoảng trống bị cầu thủ số 11 bỏ sót lại. Nếu Safawi bám cánh, hậu vệ sẽ chủ yếu ở dưới đảm nhiệm việc phòng ngự.

Bên kia cánh đối diện, Sumareh có nhiệm vụ quấy rối và thọc sâu vào xuống đường biên dọc đối phương. Đồng thời, hậu vệ phải Davies cũng nhanh chóng thực hiện các pha chồng cánh để tạt bóng vào trong.

Tuy nhiên, hai cầu thủ này không phải giữ nguyên vị trí đó trong suốt trận đấu. Tùy vào từng tình huống mà họ sẽ thay đổi vị trí cho nhau.

Ở giữa sân, hai tiền vệ trung tâm của Malaysia được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Akram (số 12) chơi thấp nhất hàng tiền vệ, có nhiệm vụ phân phối bóng (chủ yếu ra hai biên và các đường chuyền quãng ngắn). Cầu thủ còn lại, Breandan Gan (số 15) có nhiệm vụ kéo bóng lên phía trên.

Số 15 Malaysia có thể dẫn bóng lên sát vòng cấm đối phương để tạo thêm quân số cho việc tấn công. Khi Syafiq chơi rộng xa vòng cấm, cầu thủ nhập tịch gốc Australia sẽ trở thành mũi nhọn thứ 2 (cùng Talaha) chực chờ trong vòng cấm đối phương.

Khi Syafiq lùi xuống, B. Gan sẽ bắt đầu xâm nhập vào vòng cấm

Với lối chơi này, Malaysia thực sự đã nâng cấp được khả năng của mình. Việc đánh bại họ ở thời điểm này không phải dễ dàng. HLV Tan Cheng Hoe vì vậy hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các học trò trong trận đấu sắp tới.

Vẫn còn những lo âu

Tuy nhiên, không phải Malaysia không có điểm yếu của mình. Đội bóng áo vàng vẫn có những điểm yếu cố hữu đã nhiều lần bị các đối thủ khai thác.

Điểm yếu đầu tiên tới từ khả năng xoay xở và ý thức chiến thuật của cặp trung vệ. Bên cạnh trung vệ S. Saad (số 3) chơi tạm ổn, người đá cặp cùng anh, trung vệ Adam Azlin (số 5) lại sở hữu khả năng phán đoán không được tốt.

Phán đoán sai của Adam Azlin tạo điều kiện cho Beto lẻn xuống ghi bàn cho Indonesia

Có lẽ chính vì điều này mà HLV Tan Cheng Hoe phải gọi lại A. Radzak (người vốn đã giải nghệ ĐTQG trước đó) để vá vào vị trí trung vệ. Điểm lợi của lựa chọn này là khả năng thích nghi hệ thống vận hành của đội bóng cao. Nhưng phong độ của cầu thủ số 7 này ra sao vẫn sẽ là một dấu hỏi.

Khả năng xử lý chậm của các hậu vệ cũng có thể bị các cầu thủ tấn công nhanh nhẹn Việt Nam khai thác. Ngay cả cầu thủ nhập tịch Corbin Ong (số 6) cũng chưa tạo được sự an tâm cần thiết. Trong trận đấu gần nhất với Sri Lanka, anh nhiều lần bị các cầu thủ đối phương dùng tốc độ để vượt qua.

Điểm mạnh của Malaysia nằm ở lối chơi tấn công biên. Những nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi của họ bất cứ lúc nào. So với Corbin Ong, M. Davies tham gia tấn công nhiều hơn. Vì thế, vị trí của anh cũng sẽ dễ bị khoét hơn, đặc biệt sau những pha băng lên tham gia tấn công mà chưa kịp quay về.

Khoảng cách hệ thống khi phòng ngự cũng trở thành một vấn đề HLV Tan Cheng Hoe cần quan tâm. 2 tiền vệ trung tâm Malaysia nhiều lần không quán xuyến được vị trí trước mặt các hậu vệ.

Trong tình huống này, cả một khoảng không giữa sân của Malaysia để cho các cầu thủ Indonesia chiếm giữ

Như đã nói ở trên, sẽ có những lúc Syafiq sẽ lùi sâu về giữa sân và B. Gan sẽ được đẩy lên vòng cấm đối phương. Bên cạnh anh chỉ còn Akram hỗ trợ khu vực giữa sân. Điều này vô tình khiến tuyến giữa của Malaysia dễ bị khai thác (đặc biệt ở những pha phản công) bởi cầu thủ số 20 vẫn còn hạn chế ở khả năng phòng ngự cũng như khả năng xử lý chậm của các hậu vệ phía dưới.

Hàng phòng ngự Malaysia thường rất dễ bị tổn thương nếu phải đối mặt với các pha tấn công vỗ mặt trung lộ của đối phương. Thực tế, tại vòng loại World Cup 2022, họ đã nhiều lần bị các đối thủ khai thác. Ngay cả trận giao hữu giòn giã với Sri Lanka vừa qua, lỗ hổng này vẫn lộ ra.

Tiếp tục thêm một pha bóng bị tấn công trực diện trong trận đấu với Sri Lanka. Khu vực giữa sân vẫn không có ai, để các hậu vệ rơi vào tình trạng 3vs3

Lối chơi của Malaysia cũng khá tương khắc với lối chơi của HLV Park Hang Seo đang vận dụng tại Việt Nam. Khả năng chuyển trạng thái không ổn định của đội bóng áo vàng có thể khiến họ phải thủng lưới bất cứ lúc nào.

Những điểm yếu trên không phải bây giờ mới có. Nó là những điểm yếu hệ thống đã xuất hiện từ năm ngoái và bị đoàn quân của HLV Park Hang Seo khai thác thành công tại AFF Suzuki Cup năm ngoái.

Cầu thủ có thể thay thế nhanh chóng bằng một cầu thủ khác. Nhưng sửa chữa cả một hệ thống không phải điều có thể làm trong thời gian ngắn. Chúng ta hãy chờ xem HLV Tan Cheng Hoe sẽ làm gì trong trận đấu sắp tới.

Trận đấu giữa Việt Nam với Malaysia diễn ra lúc 20 giờ ngày 10/10 trên SVĐ Mỹ Đình, Hà Nội.

Theo Quang Anh/Thethao247
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo