Bayern Munich thành công nhờ 'chuyển nhượng thông minh'
Leicester 'trói chân' Maddison thêm 4 năm, chấm dứt tham vọng của M.U / Klopp: 'Bayern may mắn mới vô địch Champions League'
Họ không chỉ thống trị Bundesliga, mà còn thống trị cả châu Âu, thể hiện qua thành tích tuyệt đối ở Champions League mùa này. Có nhiều lý do để giải thích cho sức vươn lên vũ bão của Bayern, trong đó chính sách chuyển nhượng hợp lý có thể xem là lý do quan trọng nhất.
Từ “không thể đánh bại họ, thì mua họ”…Dù có lúc này lúc nọ, nhưng nhìn chung, Bayern Munich là thế lực giàu mạnh nhất Bundesliga trong vòng khoảng 50 trở lại đây. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian của 50 năm ấy, Bayern gần như chỉ quanh quẩn trong cái ao làng Bundesliga. Những màn trình diễn của họ ở Cúp châu Âu, mà ở đây là Champions League, chỉ mang tính “cắc-bụp”. Hay nói cách khác, Bayern chưa bao giờ được xem là một “siêu cường”, dù họ có đủ điều kiện để vươn tới vị thế ấy - từ sự ổn định về tài chính, sự ổn định về thành tích, và bề dày truyền thống.
Vậy điều gì đã níu chân Bayern? Tất nhiên có nhiều yếu tố, nhưng có thể thấy một yếu tố nổi bật là chính sách chuyển nhượng quá cứng nhắc. Từng có một thời gian dài Bayern tỏ ra bối rối tới mức có một câu nói đùa mà người ta tin là chính sách chuyển nhượng của họ thật: “Bayern không đánh bại được kẻ nào, thì họ sẽ mua kẻ đó.” Mà cũng có thể đó không phải là một câu đùa. Những Ciriaco Sforza, Alain Sutter, Ali Daei, Andy Herzog và Roy Makaay đều tới Bayern theo cùng một cách: Họ được mua về sau khi liên tục khiến Bayern khổ sở trong màu áo những đội bóng cũ.
Thực ra, chính sách chuyển nhượng này cũng có điểm tích cực. Trong khi phần lớn các cầu thủ nói trên (trừ Makaay) đều không thể hiện được mình trong màu áo mới, việc họ gia nhập Bayern khiến cho đội bóng cũ của họ trở nên suy yếu. Khả năng những đội bóng ấy đe dọa vị thế thống trị của Bayern vì thế cũng giảm sút thấy rõ. Tuy nhiên, mục đích chính của mọi vụ chuyển nhượng – khiến cho đội bóng mua người trở nên mạnh hơn – thì lại không được đáp ứng. Đó là lý do Bayern có thể vẫn thống trị giải quốc nội, nhưng cứ ra trời Âu thì lại tỏ ra rất bình thường.
Đó chỉ là một phần trong chính sách chuyển nhượng đầy bối rối của Bayern. Họ còn thất bại trong phần lớn những vụ chuyển nhượng liên quan tới các cầu thủ đến từ bên ngoài Bundesliga (trừ Lizarazu, Lerby và Makaay đã nói ở trên). Do không thể cạnh tranh về tiền lương với các đội bóng Italia và Tây Ban Nha, Bayern còn buộc phải đánh cược với những cầu thủ Nam Mỹ, những người tài năng chưa được kiểm chứng. Roque Santa Cruz, Julio dos Santos, Jose Sosa, Bernardo và Adolfo Valencia đều đến trong kỳ vọng, và đi trong thất vọng.
… Tới chỗ tiêu tiền thông minh
Bayern bắt đầu có những thay đổi trong tư duy từ năm 2005, sau khi họ nhận được những nguồn thu đầu tiên từ sân VĐV mới Allianz Arena. Lần lượt, Bayern đón về những ngôi sao đã khẳng định được tài năng ở tầm vóc quốc tế, như Arjen Robben, Franck Ribery và Luca Toni. Và họ bắt đầu nhận thấy sự khác biệt. Đội bóng Đức không thành công ngay lập tức, nhưng hiệu ứng từ chính sách mới rõ tới mức cựu chủ tịch Uli Hoeness phải thốt lên: “Nếu biết mua (Luca Toni) có hiệu quả đến thế này, thì chúng tôi đã tiêu tiền từ lâu rồi.”
Từ thời điểm ấy, Bayern Munich bắt đầu chấp nhận thực tế muốn thành công, nhất là ở đấu trường châu Âu, thì không thể không vung tiền. Ví dụ rõ nhất là vụ vác cả núi tiền mặt sang Bilbao để “giải phóng” Javi Martinez. Nhưng họ không dừng ở đó. Bayern còn bắt đầu chú ý tới việc xây dựng một bộ máy tốt để chuyển nhượng hiệu quả hơn. Việc bổ nhiệm Matthias Sammer vào vị trí giám đốc thể thao và Michael Reschke, chuyên gia săn đầu người của Leverkusen, vào vị trí trưởng bộ phận tuyển trạch là bước đi mang tính cách mạng. Cả hai đều không còn gắn bó với Bayern, nhưng sự chuyên nghiệp và phương pháp của họ đã đặt nền móng cho mọi hoạt động của Bayern sau này.
Nhìn vào đội hình xuất phát của Bayern trong trận chung kết Champions League vừa rồi, có thể thấy rõ sự linh hoạt và hiệu quả trong chính sách chuyển nhượng của Bayern. Có những người được mua với giá cao (Neuer, Thiago, Alphonso Davies), cũng có những người tới theo dạng tự do (Goretzka, Lewandowski), hoặc với giá rẻ như cho (Kimmich, Alaba, Gnabry). Thậm chí nếu cần, Bayern sẵn sàng đi mượn (Perisic, Coutinho, và cả Coman).
Tất nhiên, mỗi một người trước khi được đưa về đều đã được các bộ phận liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, để xem liệu họ có phù hợp với lối chơi và văn hóa của Bayern hay không. Và cũng là tất nhiên, sai sót là không thể tránh khỏi. Nhưng Bayern tin rằng sai sót là ngoại lệ với cách làm mới của mình. Như đã được chứng minh trong những thành tích ở mùa giải này…
“Mổ xẻ” đội hình xuất phát của Bayern Trong đội hình xuất phát của Bayern ở trận chung kết Champions League với PSG, số cầu thủ được đưa về từ các CLB Bundesliga chỉ là 2 người (Neuer, Gnabry). Có một cầu thủ được mua từ Bundesliga 2 (Kimmich, từ RB Leipzig). Hai cầu thủ tới theo dạng tự do (Lewandowski, Goretzka). Năm cầu thủ mua từ nước ngoài (Boateng, Alaba, Davies, Thiago, Coman). Và một cầu thủ từ đội trẻ là Mueller. Tổng chi phí cho đội hình này chỉ có 128,6 triệu euro, thấp hơn cả giá chuyển nhượng của Neymar (222 triệu euro) và Mbappe (180 triệu euro). 336. Tổng quỹ lương của Bayern trong năm 2019 là 336 triệu euro. Đây là một con số tương đối cao. Thực tế thì Bayern đứng thứ năm châu Âu về quỹ lương, chỉ sau Barca, Real Madrid, PSG, và M.U. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
ĐT Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á, HLV Kiatisak bất ngờ thừa nhận sự thật phũ phàng
'Siêu đội hình’ nhập tịch Việt Nam khiến Thái Lan lo sợ gồm những ai?
HLV Kim Sang-sik 'chiêu mộ' Son Heung-min, mở đường cho cầu thủ Việt Nam xuất ngoại?
Diogo Dalot trên đường đến Real Madrid, Man United kích hoạt thành công 'món hời' từ Serie A?
Bạn thân Nguyễn Xuân Son nói tiếng Việt cực đỉnh, khát khao được nhập tịch thi đấu cho ĐT Việt Nam