Các tuyển thủ Việt Nam xuất ngoại: Phải thích nghi để tồn tại
Tối nay, Văn Lâm bắt chính trận đầu tiên cho Muangthong Utd? / Việt Nam từ chối dự King Cup 2019 ở Thái Lan
Bóng đá Việt Nam đang thực sự bước vào trang sử vàng. Các cầu thủ của chúng ta không còn là những người “vô danh tiểu tốt” (như báo Iran từng nhận xét). Thay vào đó, họ đã nhận được sự quan tâm của các tuyển trạch viên trên khắp châu Á và thậm chí là thế giới.
Thành quả sau một năm rực rỡ của bóng đá Việt Nam chính là việc 3 tuyển thủ Văn Lâm, Xuân Trường, Công Phượng đã ký hợp đồng để sang thi đấu ở Thái Lan, Hàn Quốc. Trong đó, Văn Lâm và Xuân Trường khoác áo 2 CLB top đầu ở giải Thái-League là Buriram United và Muangthong United. Còn lại, Công Phượng cũng khoác áo Incheon United thi đấu ở giải số 1 Hàn Quốc.
Trước đó, Quang Hải, Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng cũng nhận được lời mời từ nhiều CLB hàng đầu ở châu Á. Đặc biệt, Quang Hải còn nhận được sự chú ý từ các CLB ở châu Âu và Nam Mỹ. Có lẽ, theo đà phát triển hiện tại, việc họ ra nước ngoài thi đấu chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thực tế, trong quá khứ, Xuân Trường, Công Phượng hay Tuấn Anh từng có thời gian chơi bóng ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm chung của họ là không tạo được dấu ấn và bị trả về CLB sau thời gian cho mượn.
Cần nói thêm rằng không phải các cầu thủ kể trên không tài năng. Họ là những cầu thủ tiêu biểu trong thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Cựu cầu thủ Man City, Mix Diskerud từng đánh giá các cầu thủ Việt Nam đủ trình độ thi đấu ở nước ngoài và cần phải “bơi ra biển lớn” để trưởng thành hơn. Trước đó, năm 2015, HLV Miura cũng có đánh giá tương tự.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, các giải Hàn Quốc, Nhật Bản khá khắt khe với các cầu thủ ở khu vực Đông Nam Á bởi họ vẫn xem đây là vùng trũng. Do đó, chỉ có những cầu thủ nào thực sự xuất sắc như Chanathip mới được giữ lại. Một khía cạnh khác cần được nhắc tới chính là việc thích nghi với môi trường mới. Đây là vấn đề quan trọng hơn cả.
Ai cũng hiểu bóng đá là môn thể thao ở tập thể. Một cá nhân dù xuất sắc nhưng cũng chưa chắc thể hiện được mình nếu không hòa mình vào tập thể ấy. Do đó, để tồn tại ở môi trường mới, các cầu thủ cần phải học cách thích nghi.
Vấn đề lớn nhất của các cầu thủ Việt Nam từ trước tới nay chính là thích nghi với môi trường mới, xa lạ so với bóng đá Việt Nam. Nhìn chung, các ngôi sao của Việt Nam trước nay trưởng thành và thi đấu chỉ gói gọn ở môi trường V-League. Do đó, việc thích nghi không phải là điều dễ dàng.
So với giải V-League, các giải Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Thái Lan chơi thứ bóng đá nhanh hơn và đòi hỏi thể lực, kỹ thuật khá nhiều. Vì vậy, họ đòi hỏi nhiều tố chất hơn từ các cầu thủ (hơn là môi trường V-League). Điều này cũng tương đồng với việc nhiều cầu thủ châu Á thường không thành công ở môi trường châu Âu, nơi đòi hỏi nhiều tố chất hơn nữa.
Nhưng không phải vì những thất bại ban đầu (của Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh) mà chúng ta nản chí. Chỉ có thi đấu thường xuyên ở môi trường cao hơn thì các cầu thủ Việt Nam mới có thể dần thích nghi và thành công. Câu chuyện này không chỉ gói gọn ở lứa cầu thủ hiện tại mà còn cả trong tương lai.
Vẫn biết, bóng đá Việt Nam thành công nhưng đó gần như chỉ ở góc độ tập thể. Để tập thể ấy vững mạnh và vươn tầm thì cần những cá nhân đạt trình độ cao hơn nữa. Như cựu danh thủ Dwight Yorke từng chia sẻ trong chuyến sang Việt Nam: “Bóng đá châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều cầu thủ tiềm năng. Nhưng các giải đấu ở châu lục không có tính cạnh tranh cao bằng các giải ở châu Âu. Để bóng đá Việt Nam phát triển và hy vọng vào một ngày có thể dự World Cup, các cầu thủ của Việt Nam cần phải được thi đấu ở các giải lớn để có thêm kinh nghiệm và học hỏi tinh thần thi đấu để làm nên niềm tự hào dân tộc”.
Do đó, chuyến xuất ngoại lần này của Xuân Trường, Công Phượng, Văn Lâm mang nhiều thử thách nhưng đó cũng là ngọn lửa thử vàng để vượt qua điểm giới hạn của hiện tại và vươn tới đỉnh cao mới. Việc cạnh tranh với nhiều ngôi sao sẽ là động lực để họ ngày càng nỗ lực hơn.
Biển lênh đênh với nhiều sóng gió nhưng chỉ khi ra tới biển xa, người ta mới thấy mọi thứ bao la, vĩ đại tới nhường nào.
End of content
Không có tin nào tiếp theo