Càng đá càng sa sút, bóng đá Thái Lan có đi sai đường?
Thầy Park thử nghiệm thành công Tuấn Anh trong trận thắng Thái Lan / Đại bản doanh của đội tuyển Việt Nam bị cổ động viên “bủa vây”
Sau khi thất bại ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, mà có lúc đội tuyển quốc gia do HLV Kiatisuk dẫn dắt đã tiến khá gần, Thái Lan đã nghĩ đến việc dứt khoát họ phải có vé vào đến VCK của kỳ World Cup tiếp theo (tức năm 2022).
Để làm bước đệm cho mục tiêu đấy, Thái Lan muốn đội tuyển của họ phải vào đến bán kết Asian Cup 2019, nằm trong nhóm có trình độ tiệm cận với những Nhật Bản hay Hàn Quốc, luôn đủ khả năng tranh chấp ngôi cao ở các giải tầm châu Á, đồng thời đủ khả năng giành vé đến với các kỳ World Cup và Olympic.
Bước đi đầu tiên của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) cho hoài bão lớn là… loại HLV Kiatisuk (chính xác là FAT gây sức ép để Kiatisuk tự nghỉ), để thay bằng người khác, có kinh nghiệm hơn và có đủ khả năng nâng tầm bóng đá Thái Lan, như kế hoạch của họ.
HLV Milovan Rajevac (người Serbia) ban đầu được chọn cho kế hoạch này, bởi ông Rajevac từng giúp một số nền bóng đá tầm trung bình thành công tại World Cup, rõ nhất là trường hợp của đội tuyển Ghana tại VCK World Cup 2010.
Nhưng từ khi HLV Kiatisuk rút lui, đội tuyển Thái Lan dưới triều đại của HLV Milovan Rajavec càng đá càng thụt lùi. Chưa vươn nổi đến tầm tiệm cận với Nhật Bản hay Hàn Quốc tại châu Á, đội bóng đất Chùa Vàng đã bị soán ngôi ở Đông Nam Á, sau khi mất ngôi vô địch AFF Cup 2018 về tay đội tuyển Việt Nam.
Đến Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan chỉ vào đến vòng 1/8, dù mục tiêu trước đó là phấn đấu vào bán kết. Thậm chí, họ còn suýt bị loại sau vòng bảng, sau trận thua đầy ám ảnh 1-4 trước Ấn Độ.
Sau đó, Thái Lan lại tiếp tục không thành công ở vòng loại giải U23 châu Á. Nằm chung bảng với đội tuyển Việt Nam, Indonesia và Brunei, đội bóng đất Chùa Vàng chỉ thắng được Indonesia và Brunei, nhưng lại để thua U23 Việt Nam đến 0-4.
Với kết quả đấy, xét về thành tích ở vòng loại, U23 Thái Lan không đủ điều kiện để góp mặt ở VCK. Họ chỉ được dự VCK giải U23 châu Á vào năm sau với tư cách chủ nhà của giải.
Có thể ở kỳ VCK U23 châu Á trước đó, tức vào năm 2018, Thái Lan thất bại vì họ không cử đội hình mạnh tham dự, quyết tâm không cao. Nhưng tại vòng loại giải U23 châu Á 2020, Thái Lan mang đến đội hình mạnh nhất trong khả năng có thể của họ, quyết đánh bại bóng đá Việt Nam, nhưng vẫn chịu thất bại ê chề.
Cùng thời điểm với những thất bại của bóng đá Thái Lan là những thành công của bóng đá Việt Nam, cấp độ đội tuyển, nên Thái Lan càng khao khát chứng tỏ năng lực.
Nhưng có vẻ như bóng đá đất Chùa Vàng đã không còn như trước, họ càng muốn thể hiện mình thì càng nhận nhiều thất bại.
Như đã đề cập, Thái Lan vẫn chưa là gì trên bình diện châu Á, quay trở lại với khu vực Đông Nam Á, không chỉ có đội tuyển Việt Nam, ngay đến Malaysia cũng từng vượt mặt Thái Lan ở AFF Cup 2018. Thậm chí, đá với Ấn Độ, vốn chẳng phải là đội mạnh, trình độ không hơn các đội bóng Đông Nam Á, Thái Lan vẫn có thể thua đậm.
Cũng sau trận thua Ấn Độ ở Asian Cup 2019, đội tuyển Thái Lan phải sa thải HLV trưởng Milovan Rajevac, thay bằng HLV tạm quyền Sirisak Yodyarthai – người vốn chưa đủ điều kiện về bằng cấp để cầm quân ở các giải đấu quốc tế lớn.
Đấy tiếp tục là thực tế khó tưởng tượng tiếp theo: Rằng nền bóng đá giàu có và nhiều hoài bão hàng đầu Đông Nam Á mà lại bị thờ ơ bởi các các HLV tên tuổi và có trình độ.
Các HLV tên tuổi đến từ châu Âu thờ ơ đội tuyển Thái Lan vì có thể họ không còn tin vào khả năng thành công, khả năng vượt vũ môn của đội bóng đất Chùa Vàng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo