Chelsea chi 95 triệu bảng như thế nào?
Nhìn ra vấn đề ở ĐT Việt Nam, HLV Kim Sang Sik có hành động khắc phục sai lầm của HLV Troussier / Thủ môn Bùi Tiến Dũng chính thức có bến đỗ mới
Chelsea vốn đã chi tiêu mạnh tay dưới thời chủ cũ Roman Abramovich. Nhưng từ sau khi được tiếp quản bởi giới chủ Mỹ mà đại diện là Todd Boehly, The Blues thậm chí còn chi tiêu khủng khiếp hơn. Mạng xã hội đặt cho họ biệt danh là “máy xúc”, bởi nhìn cách mua sắmthì có vẻ như cứ thấy cầu thủ nào trẻ, có tiềm năng là họ sẽ “xúc” hết, chưa cần biết là cầu thủ ấy có thực sự phù hợp và cần thiết trong kế hoạch hiện tại hay không.
Từ mùa Hè năm 2022, thời điểm Boehly bắt đầu tiếp quản Stamford Bridge tới trước mùa Hè năm nay, Chelsea đã chi tới hơn 1 tỉ bảng vào thị trường chuyển nhượng, đem về gần... 40 cầu thủ. Kiểu mua sắm ồ ạt này khiến cho ngay cả các CĐV cũng bối rối; có nhiều cầu thủ họ chưa kịp quen cách đọc tên thì đã bị thay thế bởi một người mới. Và đương nhiên rối nhất là các HLV. Đến khi những Graham Potter, Mauricio Pochettino bắt đầu hiểu được cầu thủ của mình thì họ đã... mất việc.
Hè 2024 có vẻ cũng không phải là một ngoại lệ. Mới qua giữa tháng 7 mà Chelsea đã đem về tới 6 cầu thủ mới. Xét về số lượng tân binh thì Chelsea đang là một trong những đội bóng tích cực nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn vào từng vụ chuyển nhượng thì chúng ta sẽ thấy có rất nhiều khác biệt. Trước hết là ở số tiền chi ra. Để có được 6 cầu thủ mới, Chelsea chỉ mới phải bỏ ra 95 triệu bảng, nghĩa là trung bình chỉ hơn 15 triệu bảng cho mỗi cầu thủ. Số tiền ấy cũng chỉ xấp xỉ số tiền họ bỏ ra cho riêng Enzo Fernandez hay Moises Caicedo.
Quan trọng hơn, những cầu thủ được Chelsea đưa về dường như đều theo một kế hoạch được thiết kế rõ ràng. Tiêu biểu là trường hợp của Tosin Adarabioyo. Trung vệ của Fulham được đánh giá rất cao và đã ở trong tầm ngắm của nhiều đội bóng lớn ở Premier League. Nhưng Chelsea đã nhanh tay hơn cả và thuyết phục được anh gia nhập Stamford Bridge theo dạng chuyển nhượng tự do sau khi anh từ chối ký hợp đồng mới với Fulham. Adarabioyo được kỳ vọng sẽ là sự thay thế xứng đáng cho Thiago Silva.
Tân binh Adarabioyo
Bản hợp đồng đắt giá nhất, Kiernan Dewsbury-Hall, rõ ràng là được thực hiện theo đề nghị của HLV trưởng. Ông Enzo Maresca vốn hiểu quá rõ tiền vệ đa năng này sau khi đã cùng làm việc với nhau ở Leicester. Theo chiều ngược lại, Dewsbury-Hall cũng hiểu rõ triết lý và phương pháp của vị HLV người Italia, nên anh hoàn toàn có thể là cánh tay nối dài của ông ở đội bóng mới. Mối quan hệ kiểu này sẽ giúp cho quá trình hòa nhập của Maresca diễn ra thuận lợi hơn, vì ít ra thì không phải tất cả ở Stamford Bridge đều 100% mới mẻ với ông.
Số tiền còn lại, Chelsea chủ yếu đầu tư cho tương lai. Họ chi ra 19 triệu bảng để đưa về Omari Kellyman, tiền vệ 18 tuổi thuộc biên chế Aston Villa và đội tuyển U20 Anh. Họ cũng chi 5 triệu bảng để giải phóng hợp đồng của Marc Guiu, một cầu thủ cũng mới 18 tuổi khác, từ Barca. Renato Veiga, tới từ Sporting Lisbon, cũng là một cầu thủ còn rất trẻ. Năm nay mới 20 tuổi, lại có thể đá được cả ở vị trí trung vệ, hậu vệ trái lẫn tiền vệ, Veiga có thể được xem là “rẻ” với mức đầu tư chỉ 12 triệu bảng.
Và cuối cùng là 29 triệu bảng cho Estevao Willian, thần đồng mới của bóng đá Brazil. Willian chưa thể gia nhập Chelsea ngay vì anh chưa đủ 18 tuổi, nhưng The Blues vẫn chi ra một số tiền lớn bởi nhìn thấy tiềm năng khổng lồ của người được đánh giá là “giỏi nhất sau thời Neymar”.
Vì sao Chelsea vẫn được tiêu tiền?
Chelsea từng phải đối mặt với nguy cơ bị cấm chuyển nhượng do đã chi tiêu quá nhiều ở các mùa giải trước. Vậy thì tại sao họ vẫn có thể chi tới 95 triệu bảng trong Hè này. Theo chuyên gia của BBC, lý do là “Chelsea đã thu được 85 triệu bảng từ bán cầu thủ. Họ cũng có khoản thu lớn 76,5 triệu bảng khi bán 2 khách sạn cho một công ty ‘chị em’. Vụ bán Mount giá 55 triệu bảng cho MU cũng được tính là khoản thu của mùa giải này.”
End of content
Không có tin nào tiếp theo