Chelsea: Nhược điểm phòng ngự rõ như ban ngày
Maurizio Sarri: 'Tại sao tôi luôn bị chỉ trích?' / Isco thắp sáng hy vọng đối đầu Man City
Khi được hỏi về những chỗ làm ông hài lòng trong trận thắng Watford 3-0 hồi đầu tháng 7, Frank Lampard nói: “Chúng tôi đã không thủng lưới. Và chúng tôi ghi 3 bàn”.
Vâng, không thủng lưới là điều Lampard lấy làm ưu tiên số 1. Người ta hỏi thế, và Lampard nói thế, là vì ngay trước đó Chelsea vừa thua West Ham 2-3.
Ngay sau đó, Chelsea vẫn ghi 3 bàn, vẫn thắng, nhưng tỷ số 3-2 trước Crystal Palace tái khẳng định nỗi lo phòng ngự của Lampard. Và nỗi lo lập tức trở thành hiện thực, thậm chí thành thảm họa, khi Chelsea thua Sheffield United 0-3. Gần như đã là một sự thừa thãi, khi báo giới bàn về nhược điểm phòng ngự của Chelsea trong 2-3 tuần gần đây, bởi đấy là điều rõ như ban ngày. Lampard nói luôn, trước trận gặp Norwich: “Tôi đã biết các bạn định hỏi điều gì. Hãy yên tâm rằng tôi đã có giải pháp cho vấn đề phòng ngự của mình”. Sau phát biểu ấy, Chelsea thắng Norwich 1-0. Để rồi, họ lại thua đến 3-5 trên sân Liverpool.
Thua 3 trong 6 vòng gần đây, và trận thua nào cũng thủng lưới 3 bàn trở lên, nhược điểm phòng ngự của Chelsea đang tiến dần đến mức độ “hết thuốc chữa”. Phải nhìn nhận như thế, may ra Lampard còn có hướng đối phó hợp lý hơn. Biết cách “sống chung với nhược điểm phòng ngự”, Chelsea có thể hạn chế điểm yếu này. Lấy công bù thủ chẳng hạn, còn hơn là cố loay hoay với sự bế tắc “Kepa hay không Kepa”.
Phân tích các tình huống dứt điểm của đối phương, giới nghiên cứu chỉ ra rằng thủ môn Kepa đã để lọt 47 bàn trong khi một thủ môn ở đẳng cấp trung bình sẽ chỉ để lọt 34 bàn. Các thủ môn khác trong nửa trên của bảng xếp hạng cùng lắm chỉ thủng lưới nhiều hơn 4 bàn so với mức độ trung bình. Nhưng, Chelsea đâu chỉ có vấn đề Kepa. Hậu vệ Chelsea luôn tỏ ra yếu kém trong việc phòng thủ chống phạt góc (như bàn thua thứ 3 trên sân Anfield vừa qua).
Georginio Wijnaldum có quá nhiều thời gian để ghi bàn. Chelsea gần như không chống đỡ bóng 1, cũng không phản ứng với bóng 2. Cho dù thay đổi giữa phòng thủ khu vực hay kèm người, Chelsea vẫn phải vào lưới nhặt bóng.
Thua thêm 1 bàn ở vòng cuối cùng, Chelsea sẽ tự bắt kịp kỷ lục của mình về số bàn thua trong một mùa bóng ở Premier League. Tính riêng trong kỷ nguyên Abramovich thì số bàn thua hiện thời đã là kỷ lục rồi. Hồi Chelsea vô địch lần đầu dưới sự dẫn dắt của Jose Mourinho, họ chỉ thủng lưới 15 bàn trong suốt mùa bóng.
Có ý kiến cho rằng thế trận của Chelsea không tồi. Khái niệm “thế trận” thật ra cũng rất ước lệ, nhưng bài học ở đây là khái niệm ấy hoàn toàn vô nghĩa. Chelsea giữ bóng 50% trên sân Anfield, và chuyền bóng thậm chí còn chính xác hơn Liverpool (84% so với 81%). Số lần bắn phá cầu môn cũng ngang nhau. Nhưng, để làm gì, khi mà rút cuộc thì Chelsea đã phải ra về tay trắng?
Lampard cần hướng đến những việc cụ thể, hơn là sự mơ hồ về thế trận. Chelsea không thể phòng thủ tốt hơn. Vậy, phải làm thế nào để bằng mọi giá không thủng lưới (cứ hòa là thành công)? Kéo hết 10 cầu thủ phía trên về hỗ trợ phòng thủ? Hay phải tìm cách ghi bàn để bù đắp cho nhược điểm phòng ngự?
Sống chung với nhược điểm tức phải chọn đúng “thuốc”, cũng không đơn giản chút nào!
Chống phạt góc kém nhất giải Cựu cầu thủ Jamie Carragher nói: “Tôi thấy Chelsea là đội kém nhất Premier League trong lĩnh vực phòng thủ chống phạt góc”. Số liệu thống kê hậu thuẫn cái nhìn của Carragher: chỉ có Norwich thủng lưới từ tình huống phạt góc nhiều hơn Chelsea (12 so với 10). Kỳ thực, Norwich phải chịu 257 quả phạt góc trong khi Chelsea chỉ chịu phạt góc 131 lần. Với tỷ lệ 1/13 (1 bàn thua trong 13 lần chịu phạt góc), Chelsea đúng là đội yếu nhất Premier League trong lĩnh vực này. Chelsea đã thủng lưới 54 bàn ở Premier League mùa này - nhiều hơn 12 đội khác, và nhiều hơn bất cứ đội nào ở nửa trên của bảng xếp hạng. Chưa bao giờ trong kỷ nguyên Roman Abramovich, Chelsea thủng lưới trong một mùa bóng ở Premier League nhiều như hiện nay. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo