Thể thao

Chu kỳ 10 năm hay cái búng tay của thầy Park

(DNVN)- Chiến thắng 2-1 của tuyển Việt Nam trước Philippines tại trận bán kết lượt về đêm 6/12, đánh dấu mốc 10 năm, lần thứ 3 thày trò Park Hang-Seo đã đưa tuyển Việt Nam bước vào vòng chung kết AF Cup.

Trước trận bán kết Việt Nam-Philippines: VFF có mê tín? / Quang Hải: 'Việt Nam xứng đáng vào chung kết'


1998 tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Tiger Cup - thua bởi một cái lưng

2008 tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup - vỡ oà bởi bàn thắng của Công Vinh phút cuối, vì năm đó AFF không tính lợi thế bàn thắng sân khách cho dù VN thắng 2-1 ở Rajamangala. Ở đó, đội tuyển có một Nguyễn Quang Hải (Hải gà) đã ghi bàn thắng quyết định trong trận bán kết lượt về loại nhà đương kim vô địch Singapore khi mà bối cảnh cả nước không tin vào chiến thắng.

Và 11 lần tham dự AFF Cup trước đây, tuyển Việt Nam đã 2 lần vào chung kết. Đêm nay (6/12/2018) trước tuyển Philippines, thầy trò Park Hang-seo đã làm được lần thứ 3.


Tâm lý của những cựu binh kinh nghiệm như Quế Ngọc Hải, Hoàng "bò" như bị đè rất nặng cho tới tận khi lưới tuyển Philippines rung lên, nặng như những quả bóng bê-tông giằng xích được giải tỏa đi khỏi sân Mỹ Đình trước đó.

Hoàng "bò" mất đi sự xông xáo, thiếu nhạy bén và những "cú tạt tìm chim". Quế Ngọc Hải phút 79 cự nhau với Văn Lâm khi mắc lỗi vị trí. Xuân Trường thì "mất tích" với những đường chuyền ẩu.


Và sự nặng nề đến bởi tuyển Philippines đã mở ra một thế trận rất hay, nếu không nói là ông Sven-Goran Eriksson đã thể hiện đẳng cấp ở việc vạch ra một kế hoạch trận đấu (game plan) cực kỳ chuẩn xác.

Sven-Goran Eriksson xác định rõ thế mạnh của tuyển Philippines so với tuyển Việt Nam là thể hình, thể lực và phần nào là tốc độ cũng như tâm lý buộc phải tấn công. Bởi thế, tuyển Philippines đã chủ động chơi nhanh ngay từ đầu, thậm chí chủ động dâng cao chứ không quá thận trọng như trận lượt đi. Và cách chơi ấy của họ đã khiến các cầu thủ Việt Nam bị cuốn vào ở những phút đầu và dẫn tới việc chúng ta không thể kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ ở những phút đầu ấy.

Thêm vào đó, Sven-Goran Eriksson nhận định nguồn sáng tạo chủ đạo của tuyển Việt Nam sẽ chỉ có thể là Quang Hải khi Công Phượng ngồi ngoài. Chính vì lẽ đó, cầu thủ Phillippines chủ động chơi rát với cầu thủ của CLB Hà Nội, chấp nhận phạm lỗi và không thể để Quang Hải phát huy được thế mạnh của mình.


Có thể nói, Quang Hải là người bị phạm lỗi nhiều nhất trên sân ở trận bán kết lượt về này (người thứ hai là Đoàn Văn Hậu với 3 lần nằm sân). Sơ sơ, tính cả trận, ít nhất Quang Hải phải nằm sân khoảng 6 lần vì lỗi từ đối thủ.


Đặc biệt, việc Hải chơi tự do và chịu khó lùi sâu hơn để hỗ trợ cặp tiền vệ Đức Huy - Xuân Trường, cũng bởi Xuân Trường hoàn toàn mờ nhạt trong vai trò một nhà tổ chức lối chơi lùi sâu. Ở tình thế mà tuyểnViệt Nam chỉ trông đợi vào một mình Quang Hải đảm nhận nhiệm vụ tổ chức, việc Quang Hải liên tục bị phạm lỗi như thế khiến đường đến với bàn thắng của chúng ta khó khăn vô cùng.


Ở tình thế tuyển Việt Nam có vẻ bế tắc trong việc triển khai lối chơi khi đối thủ đã đọc bài và có một kế hoạch trận đấu tốt như thế, ông Park Hang-seo cũng rất tài trong việc xây dựng kế hoạch trận đấu của riêng mình để đối phó với đồng nghiệp lừng danh người Thụy Điển.

Đầu tiên, ông Park cực tỉnh táo khi muốn các cầu thủ của mình chơi bình tĩnh hơn sau những phút đầu bị cuốn theo lối chơi của đối thủ. Ông liên tục đưa ra những chỉ dẫn ở đường biên, đặc biệt với hàng thủ và tiền vệ Đức Huy, những cá nhân mà ông cho rằng nắm vai trò quan trọng nhất trong việc chống sự hưng phấn có phần lấn lướt của các cầu thủ Philippines.

Nhưng nước cờ cao trong kế hoạch trận đấu của ông Park Hang-seo phải là việc điều chỉnh bằng những lần thay người. Khi Sven-Goran Erksson đưa James Younghusband vào sân và xoay sang sơ đồ linh hoạt giữa 4-3-3 và 4-2-3-1, ông Park Hang-seo biết mình cần làm gì. Ông đưa một tiền vệ có khả năng phòng ngự tốt, có thể di chuyển rộng hỗ trợ ở biên khi cần và chuyền bóng an toàn là Huy Hùng vào sân thế cho Xuân Trường.

Ông Park Hang- seo cũng biết rằng, "bầy ngựa hoang lê dương" ở Bacolod khi thiếu 5 chiến binh thì họ chơi bóng rất rối trong khoảng thời gian từ phút 60 tới 75. Khi với việc Huy Hùng vào sân, Quang Hải không phải lùi về hỗ trợ nữa và Đức Huy cũng bắt đầu dâng lên tạo thêm một cầu nối hỗ trợ.

Trong khi đó, sự góp mặt của Tiến Linh, một tiền đạo có khả năng chơi rộng, có sức trẻ để lui về tham gia tạo áp lực lên tiền vệ phòng ngự đối phương, cũng đã bắt đầu tạo ra những khoảng trống từ sự xộc xệch của hàng thủ Philippines. Trong một phút xộc xệch như thế của họ, Quang Hải thâm nhập vòng cấm rất nhanh như một số 9 ảo đón đường căng ngang của Văn Đức để mở tỷ số, khoảnh khắc thực sự quyết định trận cầu.

Ngay khi có bàn thắng, ông Park Hang-Seo có điều chỉnh cuối cùng. Công Phượng được lựa chọn để thay Đức Huy và điều đó cũng có nghĩa là Quang Hải sẽ phải lui về chơi cặp tiền vệ với Đức Huy.


Thực tế, dự tính đưa Công Phượng vào sân của ông Park đã có từ khi lưới Phillippines chưa rung lên lần đầu. Kế hoạch của ông là làm mới khâu tổ chức lối chơi ở hàng tiền vệ (với Huy Hùng và Quang Hải), đồng thời đưa một cầu thủ có thể xoay chuyển cục diện như Công Phượng để buộc Philippines phải có nhiều nguồn đe doạ để đối phó hơn, và khi có nhiều nguồn tiếp bóng sáng tạo thì sự rối loạn sẽ xảy ra.

Và Công Phượng đúng là đã tạo đột biến.


Ảnh: VTC và Intenter

Cái búng tay của ông Park tưởng đơn giản nhưng nó đã gần như hội tụ đủ 6 yếu tố về không gian (cự ly đội hình), thời gian, tinh thần, hiện thực, thể lực và linh hồn người Việt để tạo ra chiếc găng vô cực cho những "Chú rồng Vàng - The Golden Dragons" như FIFA đưa lên trang chủ.

Bây giờ, nghĩ đến chung kết được rồi. Và đợi chờ ông Park lại sẽ có những kế hoạch trận đấu bất ngờ và thú vị khác.

Hà Linh Chi
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm