Chuyện Park Hang-seo chơi 'canh bạc' bóng đá Việt Nam
NÓNG: Công Phượng chuẩn bị gia nhập Incheon Utd / Cầu thủ xuất sắc nhất Asian Cup 2019 nhận quà đặc biệt từ Messi
Học trò tôn vinh thày Park khi lên ngôi tại AFF Cup 2018 (Ảnh Đăng Huỳnh)
“Canh bạc” với bóng đá Việt Nam
Một ngày tháng 10/2017, HLV Park Hang-seo có buổi ký kết hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và ra mắt giới truyền thông Việt Nam. Không giống như thường lệ, buổi ra mắt của ông Park có khá ít phóng viên tới tham dự, thậm chí ít hơn cả khi HLV nội Nguyễn Hữu Thắng ra mắt hai năm trước đó.
Cũng phải thôi, HLV Park Hang-seo không nhận nhiều kỳ vọng bởi ngoài thành tích làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink đưa tuyển Hàn Quốc tới vị trí đệ tứ anh hào World Cup 2018 và HCĐ ASIAD, bản CV của ông Park khá nhạt nhòa. Những đội bóng dưới quyền ông đều thi đấu kém thành công. Thậm chí, việc ông Park sang Việt Nam còn được ví như ông chạy khỏi con tàu đắm CLB Changwon City - đội khi đó đứng trước nguy cơ tụt xuống giải hạng 3 Hàn Quốc.
Thế nhưng rất nhanh, chỉ vài tháng sau, HLV Park Hang-seo đã buộc truyền thông châu Á phải nhắc tên khi đưa U23 Việt Nam tới ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018. Tại Việt Nam, người hâm mộ tôn sùng ông giống như người hùng. Đã rất lâu rồi bóng đá Việt Nam mới được hưởng niềm vui và chẳng còn ai để ý tới quá khứ của ông Park. Niềm vui nối tiếp niềm vui, tuyển Olympic Việt Nam giành vị trí thứ tư tại ASIAD 2018 vào tháng 8/2018 và tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.
Có một chi tiết mà ông Park sau này đã thừa nhận trong cuộc trò chuyện với Báo Giao thông, đó là ông không hề biết chút gì về bóng đá Việt Nam và đặt bút ký hợp đồng với VFF, chỉ đơn giản muốn thử sức mình. Nhưng đứng từ góc độ chuyên môn, có thể thấy, sang Việt Nam làm việc giống như một canh bạc mà ông Park đã đặt cược. Bản thân vợ ông, bà Choe Sang-ah cũng từng chia sẻ trên tờ Chosun rằng, bà rất lo lắng khi chồng mình quyết định sang Việt Nam làm việc.
Ông Park ấp ủ triết lý bóng ngắn, phòng ngự phản công dựa trên nền tảng nhanh, khéo của cầu thủ. Nhưng bóng đá Hàn Quốc lại chú trọng bóng dài, sức mạnh nên ông không thể phát huy thế mạnh. Vì thế, ông muốn tìm kiếm một môi trường mới. May thay, tố chất cầu thủ Việt Nam rất phù hợp với triết lý của HLV Park Hang-seo. Cộng thêm sự chuyên nghiệp, tận tụy và khoa học trong công việc, thày Park đã đưa bóng đá Việt Nam chạm qua những cột mốc lịch sử.
Theo chuyên gia Trịnh Minh Huế, chiến công mà ông Park có được là nhờ cộng hưởng giữa tài năng và may mắn: “Vì ông đến Việt Nam đúng vào thời điểm chúng ta có một lứa cầu thủ tốt, được tích lũy về lượng qua nhiều năm nên dẫn tới đột phá về chất. Nhưng cái tài của ông Park là lựa chọn được những cái tên tốt nhất, tổ chức và huấn luyện tạo ra một tập thể mạnh”.
Người cha có hơn 20 đứa con
Ông Hà Nhật Đoàn, Phó phòng Thông tin - Tuyên truyền VFF, người luôn theo sát các đội tuyển chia sẻ: “Trước mỗi bữa sáng, ông Park vẫn thường quan sát một lượt các học trò. Ai mất ngủ, ai gặp vấn đề về tâm lý, ông ấy đều nhận ra và ân cần hỏi han. Với những cầu thủ chấn thương, ông Park động viên cố gắng tập luyện để sớm trở lại. Sau khi trò chuyện với các cầu thủ, ông Park mới ngồi vào bàn dùng bữa. Trong những đợt tập trung, HLV Park Hang-seo cũng có thói quen sang phòng cầu thủ bị đau hay đang gặp vấn đề sức khỏe nắm bắt tình hình. Hay như trong chuyến bay sang Malaysia đá trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018, thấy Đoàn Văn Hậu đang xem điện thoại, ông Park liền nhắc nhở học trò nên ngủ để lấy lại sức. Tôi cảm nhận ông Park coi đội tuyển là một gia đình, còn ông là cha của hơn 20 người con”.
Trước tình cảm ấm áp của người thày ngoại quốc, các cầu thủ không ai bảo ai, tất cả đều tự giác bảo ban nhau tập luyện, khích lệ nhau trên sân. Điều này trở thành sức mạnh vô hình, đưa đội tuyển vượt qua những thời điểm ngàn cân treo sợi tóc. “Chúng tôi dù dự bị hay đá chính đều ý thức rằng, mình là một phần của gia đình giống như anh em, không có sự kèn cựa, tất cả đều nỗ lực vì mục tiêu chung. Tôi và đồng đội coi thày Park như người cha thứ hai của mình”, thủ thành Bùi Tiến Dũng bộc bạch.
Tiền đạo Hà Đức Chinh tâm sự: “Mỗi cầu thủ đều cảm nhận được sự quan tâm của thày. Tuy thày nghiêm khắc nhưng trước những sai lầm cá nhân, thày chưa bao giờ trách mắng nặng lời. Thay vào đó, thày chỉ ra nguyên nhân của sai lầm, hướng khắc phục và yêu cầu chúng tôi phải quyết tâm sửa chữa. Nhờ vậy, khi ra sân, tôi cũng như các anh em trong đội đều có được tâm lý thoải mái nhất”.
HLV Park Hang-seo thị phạm cho học trò trong một buổi tập (Ảnh Đăng Huỳnh)
Con người tỉ mỉ, say mê
Cũng theo ông Hà Nhật Đoàn, HLV Park Hang-seo cực kỳ tỉ mỉ trong công việc và luôn chú ý tới những chi tiết nhỏ nhất. “Thông thường ở khách sạn, đội tuyển có 5 - 6 bàn ăn. Ban huấn luyện ngồi 1 bàn, còn các cầu thủ chia nhau ngồi những bàn còn lại. Tuy nhiên, không phải ai thích ngồi với ai cũng được. Ông Park sẽ quan sát, nếu có một nhóm ngồi cạnh nhau 2 ngày liên tiếp là ông ấy nhắc nhở, yêu cầu xáo trộn. Ông Park cho rằng làm như vậy toàn đội sẽ hiểu nhau hơn, từ chỗ hiểu nhau, chơi cùng nhau trên sân sẽ ăn ý. Phiên dịch của đội cũng được ông Park yêu cầu ăn trước, bởi ban huấn luyện vừa ăn, vừa bàn công việc nên cần phiên dịch, nếu phiên dịch ăn cùng đội sẽ không thể tác nghiệp”, ông Đoàn kể lại.
Ông Lê Huy Khoa, cựu trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang-seo thông tin, đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park họp rất nhiều. Thông thường cuối ngày sẽ có 3 cuộc họp giữa ông Park với lãnh đội, cán bộ đoàn; với đội ngũ bác sĩ; ban huấn luyện. Với mỗi cuộc họp, vị thuyền trưởng Hàn Quốc luôn yêu cầu những thông tin cụ thể. Giả dụ như một cầu thủ chấn thương, bác sĩ phải trả lời được mấy ngày nữa cầu thủ sẽ hồi phục. Hay ông sẽ yêu cầu các trợ lý báo cáo cụ thể về các thông số của đối thủ.
Ông Khoa chia sẻ thêm, trên sân tập, HLV Park Hang-seo luôn đứng quan sát rất chăm chú các cầu thủ chứ không trực tiếp xắn tay vào chỉ đạo. Mọi điều chỉnh sau đó được ông trao đổi cùng trợ lý Lee Young-jin. “Trường hợp cần thiết hoặc cầu thủ mắc lỗi lớn, ông Park sẽ trực tiếp thị phạm”, ông Khoa cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo