Để Quang Hải có đôi chân ngoan và những ‘cực phẩm’ đá phạt
Cận cảnh loạt ra đòn kinh hoàng của nữ võ sĩ Mỹ khiến đối thủ gục ngã / Solskjaer không mua cầu thủ chỉ để giữ ghế của mình
Khi Hải chơi bám biên, sẽ có 2 cầu thủ trở lên theo kèm và họ sẽ vào bóng theo kiểu “bánh mì kẹp thịt”. Còn khi Hải vào giữa chơi một cầu thủ “chia bài”, ngay lập tức, một vòng tròn được thiết lập để hạn chế sự sáng tạo của anh.
Ở giữa một không gian chật hẹp như vậy, Quang Hải vẫn để lại những dấu giày của mình với những pha xử lý rất riêng và đó là điều rất đáng khen ngợi. Một chút tiếc nuối, những pha kiến tạo, những pha dứt điểm của Hải đã không thể chuyển hoá thành bàn thắng. Chẳng sao cả, điều quan trọng với HLV Park Hang Seo lúc này là cậu học trò của mình sung sức và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thủ lĩnh tinh thần trên sân.
Với HLV Park Hang Seo, một trong những tiêu chí để được chọn làm thủ quân của đội bóng là anh ta phải có những phẩm chất chuyên môn vượt trội. Kế đến là tiếng nói trong phòng thay đồ và sự kết nối trên sân cỏ với các đồng đội. Tại SEA Games 30, Quang Hải từng lãnh trọng trách ấy. Thời điểm đó, bên cạnh Hải còn có những đàn anh như Hùng Dũng, Trọng Hoàng.
Chỉ khiHải vắng mặt, chiếc băng thủ quân ấy mới được trao cho Hùng Dũng. Bây giờ, Quang Hải không còn cái điểm tựa, cũng chẳng có những “cánh tay nối dài” mà anh phải tự đứng ra giải quyết tất cả.
3 năm trước tại VCK U20 thế giới được tổ chức tại Hàn Quốc, Quang Hải được tín nhiệm trao cho chiếc băng thủ quân. Những đồng đội của anh 3 năm trước cho đến bây giờ vẫn còn đó: Bùi Tiến Dũng, Tấn Tài, Tiến Dụng, Thanh Sơn, Đức Chinh, Hoàng Đức, Thanh Thịnh, Tấn Sinh, Đình Trọng. Tức, Quang Hải tìm lại đúng vị trí của chính mình nhờ sự tôn trọng tuyệt đối của những đồng đội.
Sự khác biệt, 3 năm về trước, Hải cũng chỉ là “viên ngọc thô” còn bây giờ anh là một cầu thủ lớn của bóng đá Việt Nam. Nghĩa là, Hải phải sống dưới áp lực của một ngôi sao, phải sống chung với những hào quang, với những hệ quy chiếu dành cho người nổi tiếng.
Hà Đức Chinh từng nói với người viết: “Quang Hải là một cầu thủ đặc biệt. Nhưng người ta chỉ thấy Hải có đôi chân ngoan, sút phạt giỏi và luôn bắt Hải phải làm như thế mà không thấy được sự đặc biệt của cậu ấy, đó là sự khổ luyện, sự nỗ lực không ngừng nghỉ để có được thành công như ngày hôm nay. Với tôi đó mới là điều đặc biệt. Tôi nể và học Hải vì điều đó”.
Vâng, ở Buriram (Thái Lan) có một Quang Hải đang phải tập luyện cật lực giữa cái nắng oi ả, chứ không phải là Thường Châu (Trung Quốc) có một giấc mơ tuyết trắng. Ở Buriram, có một Quang Hải không còn là thứ “vũ khí bí mật” như 2 năm về trước, giúp anh vẽ nên những cực phẩm “cầu vồng trong tuyết”. Quang Hải bây giờ có thể biến thành một “thỏi nam châm” hút đối thủ về phía mình, giúp đồng đồi toả sáng thay vì sự vị kỷ cá nhân.
Sự khắt khe của thầy Park, của dư luận với Quang Hải chưa bao giờ thừa. Nhưng đôi khi, hãy đừng bắt Hải phải luôn toả sáng, phải trở thành ngôi sao cứu cánh. Để cho Hải sự tự do và sáng tạo, người ta sẽ thấy được sự dị biệt chỉ ở anh mới có được, làm được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo