Thể thao

Điều ông Park lo lắng

Hướng đến AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo không chỉ lo lắng về tình hình lực lượng của ĐT Việt Nam, áp lực từ sự kỳ vọng mà chính là những chỉ trích đến từ truyền thông nếu đội tuyển thi đấu không tốt.

Lương Xuân Trường lên tiếng về khả năng ra sân ở ĐT Việt Nam / 6 cầu thủ nữ nhận án phạt nặng sau màn ẩu đả

Cuối buổi gặp gỡ báo chí trước khi cùng ĐT Việt Nam lên đường sang Hàn Quốc tập huấn, HLV Park Hang-seo thì thầm với thông dịch viên của mình và chốt lại phần trả lời các phóng viên rằng: “Có một điều lo lắng khác nữa là khi đội tuyển chơi không tốt, báo chí hay có bài phân tích và chỉ trích nhiều. Đó cũng là một vấn đề”.

Kể từ khi đến Việt Nam làm việc, đây là lần đầu tiên ông Park có những chia sẻ công khai như vậy về áp lực mà truyền thông dành cho đội tuyển. Bởi lẽ, chính ông và các cầu thủ Olympic Việt Nam từng phải hứng chịu điều này sau khi không thể có huy chương tại ASIAD 18.

Huấn Luyện viên Park Hang-seo.

Còn nhớ, sau giải đấu trên đất Indonesia, một bộ phận không nhỏ đã dành sự chỉ trích gây gắt cho thầy trò HLV Park Hang-seo trên mạng xã hội. Điều này đã để lại những hệ luỵ không tốt.

Đặc biệt, bản thân HLV Park Hang-seo cũng được một bộ phận truyền thông đặt dấu hỏi về trận đấu mà Olympic Việt Nam đã để thua Hàn Quốc. Và chính ông hiểu rằng, những áp lực đến từ báo chí có thể ảnh hưởng phần nào đến chính các cầu thủ của ĐT Việt Nam.

Ông Park không cấm học trò sử dụng điện thoại và mạng xã hội trong các giải đấu đã qua. Tất nhiên, việc sử dụng cũng có quy định. Và chính điều này đã khiến cho việc tiếp cận thông tin báo chí vẫn được cập nhật sau mỗi trận đấu.

Điều này có tính hai mặt. Ông thầy người Hàn Quốc có cái lý khi làm điều đó. Bởi đó là cách có thể giúp cầu thủ giải toả sau mỗi trận đấu. Nhưng cầu thủ tiếp cận thông tin không chọn lọc sẽ dẫn đến tâm lý hoang mang, dao động không đáng có.

Trước đây, nhiều thầy ngoại khi đến làm việc ở Việt Nam thường nói rằng họ không thường xuyên đọc báo vì lý do ngôn ngữ và cũng không quan tâm quá nhiều vì tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý. Thực tế thì chính các HLV ngoại cũng luôn cập nhật những thông tin báo chí thông qua các trợ lý ngôn ngữ của mình. HLV Park Hang-seo chính là một điển hình.

 

Đã có không ít HLV là nạn nhân của truyền thông và mạng xã hội. Trong nhiều thất bại của bóng đá Việt Nam, khán giả luôn là những người quyết định tính chất trầm trọng ra sao. Sau SEA Games 28, HLV Miura từng hứng chịu làn sóng chỉ trích, đòi sa thải khi chỉ giúp U23 Việt Nam có HCĐ.

Thậm chí, các chuyên gia cũng không ngừng chỉ trích chiến thuật của HLV Miura trên mặt báo. HLV Lê Thuỵ Hải thời điểm đó còn thẳng thắn phát biểu trước truyền thông rằng: “Ông Miura nên nghỉ”.

Đến lượt HLV Hữu Thắng không thể đưa U22 Việt Nam vượt qua vòng bảng ở kỳ SEA Games kế tiếp cũng hứng chịu những chỉ trích còn nặng nề hơn. Thậm chí, quá khứ của HLV Hữu Thắng còn bị bới móc với những sự xuyên tạc không thể tồi tệ hơn đến từ cộng đồng mạng.

Cơn bão truyền thông bắt đầu vào cuộc và sau cuộc họp mổ xẻ thất bại của Hội đồng HLVQG, làn sóng chỉ trích được đẩy lên đỉnh điểm. Đặc biệt khi HLV Hữu Thắng bị chê là non nớt, lúng túng.

HLV Park Hang-seo đã nghĩ đến áp lực từ báo chí. Ảnh: H.A.

Sau hai giải đấu để lại dấu ấn là U23 châu Á và ASIAD 18, HLV Park Hang-seo trở thành nhân vật đang được đặt niềm tin. Thế nhưng, chính ông hiểu rằng, nếu thất bại ở AFF Cup 2018, mọi thứ đều có thể sụp đổ.

 

Từ đỉnh cao xuống vực sâu sẽ rất nhanh. Ông biết rằng, sự kỳ vọng mà người hâm mộ dành cho ĐT Việt Nam lớn như thế nào ở giải đấu quan trọng nhất trong năm 2018. Hơn nữa, đây mới là ĐTQG thực thụ, khác hẳn với các đội tuyển trẻ ở hai giải đấu trước mà HLV Park Hang-seo đã thành công.

Việc cảm nhận được những áp lực từ báo chí ngay lúc này có thể được ông rút ra từ ngay sau khi ASIAD 18 kết thúc. Thế nhưng, chính ông Park cũng nhìn thấy tấm gương từ những người tiền nhiệm.

AFF Cup 2018 cũng là giải đấu mà sau 10 năm kể từ chức vô địch năm 2008, ĐT Việt Nam chưa một lần lọt vào chung kết. Mục tiêu trước mắt mà ông Park đưa ra là sẽ đứng đầu bảng A. Tuy VFF không giao mục tiêu cụ thể, nhưng ai cũng hiểu tất cả cùng hướng đến chức vô địch. Đó là áp lực lớn mà ông Park sẽ phải đối diện và báo chí sẽ nhắc nhiều về ông nhất.

Ông Park khiêm tốn mục tiêu

Đánh giá về lực lượng ĐTVN, HLV Park Hang-seo cho biết: “Sự khác biệt đầu tiên so với U23 cũng như Olympic là ĐTQG ở AFF Cup không bị hạn chế lứa tuổi. Đội tuyển của chúng ta tập trung nhiều cầu thủ đã chinh chiến ở các giải đấu, nhất là sân chơi chuyên nghiệp V.League. Bởi thế, kinh nghiệm là điểm mạnh của ĐT Việt Nam ở giải sắp tới.

 

Danh sách 30 cầu thủ được triệu tập do tôi quyết định và được tư vấn từ ban huấn luyện. Chúng tôi đã xem trực tiếp tại V.League để chọn ra 30 người giỏi nhất cho đợt tập trung này”.

Nói về mục tiêu cụ thể và đánh giá các đối thủ, ông Park chia sẻ: “Ở bảng A của AFF Cup 2018 có mặt Lào, Campuchia, Myanmar và Malaysia. Với Malaysia, chúng tôi đã có sự chuẩn bị và trận đấu ngày mai của họ, tôi đã cử một HLV qua dự, ghi chép. Bản thân tôi từng sang Malaysia để xem trực tiếp các trận đấu tại giải quốc nội Malaysia.

Các đối thủ khác, tôi chưa xem được nhiều trận đấu của họ. Chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ VFF. Tôi được biết Malaysia có một số cầu thủ nhập tịch. Với bảng A, mục tiêu của tôi là muốn đứng đầu bảng A dù chắc chắn phải giải quyết từng trận đấu”.

Theo cand.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm