Đối diện bảng đấu khó khăn tại SEA Games, U22 Việt Nam có cơ hội thể hiện đẳng cấp?
Cầu thủ thứ 5 đồng ý gia hạn hợp đồng với M.U / PSG đại chiến M.U vì ngôi sao chạy cánh Brazil
Không cần lấy ví dụ xa xôi, nhìn lại các kỳ giải gần nhất của chính bóng đá Đông Nam Á, đội lên ngôi đầu đều là những đội trải qua vòng bảng khó khăn, thuộc những bảng đấu có nhiều đội mạnh.
Ví dụ như tại SEA Games lần thứ 29 năm 2017, Thái Lan đoạt HCV sau khi vượt qua vòng bảng có sự hiện diện của đội chủ nhà Indonesia và ứng cử viên vô địch nặng ký khi đó là U22 Việt Nam.
Trước đó 1 năm, tại AFF Cup năm 2016, Thái Lan dù nằm trong bảng cực nặng, với sự hiện diện của Indonesia, Singapore và Philippines, vẫn đi đến đích cuối cùng là ngôi vô địch.
Thành ra, chuyện bảng đấu nặng hay nhẹ có khi chẳng thể cản nổi một đội bóng lên ngôi đầu giải đấu, nếu đội bóng đó thật sự mạnh. Và đã là đội thật sự mạnh, đã đặt mục tiêu vô địch thì cũng nên làm quen với tâm lý gặp đội nào cũng phải thắng!
U22 Việt Nam (thực chất là “U22+2”, tức là đội bóng dành cho lứa tuổi 22, có bổ sung thêm 2 cầu thủ ngoài 22 tuổi) dù có nguy cơ rơi vào bảng đấu nặng ký, khả năng có thể có đương kim vô địch Thái Lan, đương kim Á quân Malaysia và đối thủ khó chịu Myanmar cũng chưa phải là vấn đề lớn.
Ngược lại, có khi chính các đối thủ e ngại nếu chung bảng với chúng ta, chứ chúng ta chẳng hề ngán khi cùng bảng với bất kỳ đối thủ nào.
Một lứa cầu thủ đã từng đánh bại U23 Australia, vượt qua U23 Qatar, Iraq, gây khó dễ cho U23 Hàn Quốc và Uzbekistan, góp công lớn để đội tuyển quốc gia nước mình vô địch AFF Cup 2018 và vào đến tứ kết Asian Cup 2019, cũng như góp công cho đội tuyển Olympic vào đến bán kết Asiad 2018, lứa cầu thủ ấy ngán gì các đội bóng thuộc tầm Đông Nam Á?
Ngược lại, có khi chính những đội hạt giống của giải năm nay như Thái Lan, như Philippines, hay Malaysia và Indonesia cảm thấy vận rủi đến với họ, ở chỗ đã là hạt giống nhóm đầu rồi, vẫn có khả năng chung bảng với đội bóng về lý thuyết là ứng cử viên số 1 cho bộ HCV nội dung bóng đá nam, là đội về lý thuyết mạnh nhất Đông Nam Á (chí ít là trong lứa tuổi 22) ở hiện tại, đó là U22 Việt Nam.
Đừng quên thế hệ của những Quang Hải, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh từng nằm trong những bảng đấu nặng nề hơn các bảng đấu có thể xảy ra cho chúng ta tại SEA Games tới đây khá nhiều.
Ở giải U23 châu Á năm 2018, những cầu thủ vừa nêu từng chịu cảnh chung bảng với Hàn Quốc, Australia, Syria. Ở Asian Cup 2019, nhóm cầu thủ nói trên lại chung bảng với Iran, Iraq, Yemen. Các đối thủ cỡ đó mà Quang Hải và các đồng đội còn vượt qua vòng bảng được, thì ngán gì Thái Lan, Philippines, Malaysia hay bất cứ đội bóng nào tại Đông Nam Á?!
Người bi quan luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội, người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn. Đừng quan trọng U22 Việt Nam thuộc bảng nào tại SEA Games, mà điều quan trọng là chúng ta nhìn các bảng đấu đấy bằng thái độ nào: Lạc quan hay bi quan? Tự tin hay tự ti?
End of content
Không có tin nào tiếp theo