Đội hình tiêu biểu SEA Games: Vinh danh 3 ngôi sao U22 Việt Nam
Những hình ảnh không thể nào quên trong lần đầu tiên bóng đá nam Việt Nam "lên đỉnh" SEA Games / Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi Thư chúc mừng Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 30
Thủ môn
Nadeo Arga Winata (U22 Indonesia): Thủ thành Nadeo Arga Winata được người hâm mộ so sánh với người gác đền Kepa của Chelsea. Ở SEA Games 30, anh đã thi đấu vô cùng ấn tượng, với những pha cản phá xuất thần. Điều đó góp phần quan trọng giúp U22 Indonesia giành vé lọt vào chung kết.
Hậu vệ
Win Moe Kyaw (U22 Myanmar): Win Moe Kyaw là cầu thủ không thể thay thế trong hàng thủ của U22 Myanmar. Khả năng lên công về thủ tuyệt vời của cầu thủ này đã tạo nên sự khác biệt, giúp U22 Myanmar bất bại trong cả vòng bảng.
Andy Setyo (U22 Indonesia): Andy Setyo là đội trưởng của U22 Indonesia, người đã chỉ huy rất tốt hàng thủ của U22 Indonesia. Sở dĩ U22 Indonesia có thể tiến sâu tới vậy là nhờ vào khả năng phòng ngự chắc chắn của Andy Setyo.
Nguyễn Thành Chung (U22 Việt Nam): Thành Chung là nhân tố nổi bật trong hàng thủ ba người của U22 Việt Nam. Trung vệ cao 1,82 mét đã có nhiều kinh nghiệm thi đấu tại giải U23 châu Á, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019. Ngoài sự chắc chắn trong hàng thủ, Thành Chung còn ghi bàn thắng quan trọng vào lưới U22 Indonesia ở vòng bảng.
Firza Andika (U22 Indonesia): Firza Andika được ví như truyền nhân của huyền thoại Indonesia, Aji Santoso với khả năng công thủ toàn diện bên hàng lang cánh trái. Lối chơi của Firza Andika khá giống với Marcelo của Real Madrid.
Tiền vệ
Đỗ Hùng Dũng (U22 Việt Nam): Ở SEA Games 30, Hùng Dũng đã thể hiện vai trò rất lớn, đặc biệt là khi Quang Hải dính chấn thương. Với tấm băng đội trưởng trên tay, tiền vệ này đã dẫn dắt lối chơi của U22 Việt Nam với sự nhiệt huyết. Ở chung kết, Hùng Dũng đã ghi bàn thắng vô cùng ấn tượng vào lưới U22 Indonesia.
Stephen Schrock (U22 Philippines): U22 Philippines đã bị loại ngay từ vòng bảng nhưng Stephen Schrock đã để lại ấn tượng lớn. Hầu như mọi đường bóng của U22 Philippines đều qua chân nhạc trưởng này. Anh được ví như 50% sức mạnh của U22 Philippines. Tiền vệ gốc Đức đã có 1 bàn thắng và 4 đường kiến tạo thành bàn ở SEA Games.
Anon Amornlerdsak (U22 Thái Lan): Dù chỉ cao 1,70 mét nhưng Anon Amornlerdsak có tốc độ và kỹ thuật tốt. Khi HLV Akira Nishino có xu hướng sử dụng luân phiên Supachok, Supachai, Suphanat thì vai trò của Anon Amornlerdsak càng quan trọng hơn. Cầu thủ này đã ghi 2 bàn vào lưới U22 Brunei ở vòng bảng.
Tiền đạo
Osvaldo Haay (U22 Indonesia): Osvaldo Haay nổi lên từ giải U22 châu Á nhưng chỉ tới SEA Games, anh mới gây chú ý rộng rãi. Cầu thủ này đã cho thấy sự đa năng khi có thể thi đấu ở cả vị trí tiền đạo, tiền vệ cánh hoặc thậm chí là tiền vệ trung tâm. Khả năng dứt điểm của Osvaldo Haay rất đa dạng. Ở SEA Games, cầu thủ này đã ghi 8 bàn thắng và cùng giành Vua phá lưới với Hà Đức Chinh.
Hà Đức Chinh (U22 Việt Nam): Trước thềm SEA Games, Đức Chinh đã chịu nhiều sức ép bởi sự vô duyên trước khung thành. Tuy nhiên, tiền đạo này đã “giải đen” khi có tới 8 bàn thắng ở giải đấu.
Keo Sokpheng (U22 Campuchia): Dù Keo Sokpheng đã đá hỏng quả phạt đền quyết định khiến U22 Campuchia lỡ tấm huy chương đồng nhưng không thể phủ nhân vai trò của tiền đạo này. Chân sút sinh năm 1992 đã cho thấy khả năng rê bóng, tốc độ và dứt điểm đa dạng. Anh đã “kéo” U22 Campuchia lần đầu tiên góp mặt ở bán kết SEA Games bằng phong độ tuyệt vời của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo