Thể thao

Đội tuyển Việt Nam - Thái Lan: Chờ toan tính của thầy Park

Thắng đội tuyển Thái Lan ở bất cứ giải đấu nào dĩ nhiên đều mang lại niềm vui, nhưng không có nghĩa rằng thua sẽ là thảm hoạ với đội tuyển Việt Nam, bởi King’s Cup chỉ là giải mời, với tính chất giao hữu giữa các đội tuyển.

King’s Cup 2019: Khi Thái Lan tự lừa dối mình / Messi thở ngắn than dài lo không dự được World Cup 2022

Giới bóng đá Thái Lan thường xuyên đẩy tính chất của cặp đấu giữa họ với đội tuyển Việt Nam lên cao trước thềm King’s Cup. Tuy nhiên, đấy là chuyện của họ, với một trong những mục đích là quảng cáo cho giải, vì tính thương mại, chứ không đơn thuần vì chuyên môn.

Còn về phía đội tuyển Việt Nam, chúng ta chỉ tập trung về chuyên môn cho trận đấu. Yêu cầu chuyên môn của đội bóng trong tay HLV Park Hang Seo khi vào giải King’s Cup nói chung, đó là giúp các tuyển thủ quốc gia tìm lại sự kết dính, sau giai đoạn mỗi người về CLB của mình, thi đấu ở giải trong nước.

Ngoài ra, chúng ta đến với King’s Cup với tính chất làm nóng cho vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, mà đội tuyển Việt Nam sẽ tham dự sau đó. Còn riêng King’s Cup chỉ là giải giao hữu, nơi thắng hay thua đều không phản ánh trình độ của từng đội bóng, của từng nền bóng đá.

Đội tuyển Việt Nam - Thái Lan: Chờ toan tính của thầy Park - 1

Đội tuyển Việt Nam không gặp áp lực tâm lý trước trận đấu với Thái Lan

Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng đội bóng của HLV Park Hang Seo không quyết thắng. Chẳng ai ra sân với tư tưởng chủ bại cả, đã đá bóng là phải quyết tâm, quyết thắng. Nhưng nếu có lỡ không thắng, chúng ta cũng nên đừng quá nặng nề, bởi càng đặt thêm áp lực cho đội tuyển là lại thêm áp lực cho các cầu thủ, dẫn họ đến tình trạng quá tải không cần thiết, cả về thể lực lẫn tâm lý, cùng nguy cơ chấn thương.

Ngay cả Thái Lan chưa chắc cũng không thử nghiệm cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam, cho dù họ là đội chủ giải.

Việc 2 tiền vệ tổ chức hàng đầu của bóng đá xứ sở Chùa Vàng gồm Chanathip Songkrasin và Sanrawat Dechmitr không dự King’s Cup buộc Thái Lan, dù muốn dù không, phải thử người mới làm nhiệm vụ dẫn dắt lối chơi.

Chưa hết, do tiền đạo đội trưởng Teerasil Dangda đang không có thể lực tốt nhất, nên khả năng tuyến đầu của đội chủ giải cũng sẽ được đảm đương bởi chân sút khác, trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn.

Về phía đội tuyển Việt Nam, chúng ta cũng không loại trừ những thử nghiệm. Chẳng có dịp nào tốt hơn cho việc tìm thêm nhân tố mới, lối chơi mới, thông qua những trận đấu giao hữu.

 

Giao hữu với Thái Lan lại càng là dịp tốt để các nhân tố mới trưởng thành, lối chơi mới trở nên nhuần nhuyễn.

Nhập cuộc với tâm lý đây chỉ là trận giao hữu ở một giải mời sẽ giúp cho các cầu thủ thoải mái, những đôi chân sẽ thanh thoát hơn, để thực hiện đúng yêu cầu và mục đích của chúng ta cho trận đấu với người Thái, cho toàn bộ King’s Cup, thay vì quanh quẩn với chuyện cay cú hơn – thua vốn chưa cần thiết ở thời điểm hiện tại.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm