Thể thao

ĐT Việt Nam không thể xem nhẹ AFF Cup 2020!

ĐT Việt Nam rơi vào bảng đấu không dễ dàng cùng Malaysia và Indonesia tại AFF Cup 2020. Câu hỏi đặt ra những ngày qua là chúng ta có nên xem nhẹ sân chơi này để tiếp tục dồn toàn lực cho vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Chính thức: HAGL không thể vô địch V.League 2021, không có lên - xuống hạng / Henderson quyết tâm bám trụ ở Old Trafford để cạnh tranh vị trí với De Gea

Bàn đạp cho mục tiêu lớn

Muốn trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần nhìn lại lịch thi đấu của 2 giải đấu quan trọng bậc nhất này. Cụ thể, AFF Cup sẽ diễn ra từ 5/12 tới 30/12/2021, đúng vào khoảng thời gian nghỉ của vòng loại thứ 3 World Cup. Sau 2 trận đấu trong tháng 11 (11/11 gặp Nhật Bản và 16/11 gặp Saudi Arabia), ĐT Việt Nam sẽ chơi trận đấu tiếp theo gặp Australia vào ngày 27/1/2022.

Như vậy, toàn bộ tháng 12 các cầu thủ sẽ rảnh rỗi. Trong bối cảnh các giải bóng đá quốc nội đã bị hủy, việc tham dự sân chơi khu vực giúp cho các cầu thủ luôn trong trạng thái sẵn sàng khi lên tập trung cho vòng loại World Cup.

Vì vậy, chúng ta không những coi trọng AFF Cup, mà thậm chí còn phải tham dự giải đấu này với quyết tâm cao nhất là bảo vệ ngôi vương vừa giành được năm 2018.

Có chăng, một số cầu thủ trẻ nên được tạo điều kiện thi đấu nhiều ở những trận gặp Lào và Campuchia. Việc này không chỉ giúp những Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Tuấn Anh, Quang Hải… được dưỡng sức cho đường dài, mà còn tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ trưởng thành.

Về điều này, HLV Park Hang Seo từ lâu đã có tính toán. Thời gian qua ông thường xuyên “cấy” cầu thủ U22 lên tham gia tập cùng ĐTQG. Những Văn Toản, Việt Anh, Quang Vinh, Văn Công, Thanh Bình… đã không còn xa lạ với cách triển khai chiến thuật của thầy Park.

Trung vệ Thanh Bình còn may mắn được vào sân ở trận gặp Australia tại Mỹ Đình. Chính việc liên tục được thử lửa ở ĐTQG khiến các cầu thủ trẻ trưởng thành rất nhanh. Họ sẽ là bộ khung của U22 Việt Nam tại Sea Games 2022, nơi chúng ta cũng đang là ĐKVĐ.

Nói vậy để thấy tầm quan trọng của sân chơi AFF Cup. Đây sẽ luôn là bàn đạp cho những mục tiêu lớn hơn của ĐT Việt Nam ở mọi cấp độ, từ vòng loại World Cup cho tới SEA Games.

Thành công tại giải đấu này sẽ tạo ra niềm cảm hứng lớn cho ĐT Việt Nam trước khi tiếp tục vươn tầm ở các giải đấu cấp châu lục, còn cầu thủ U22 cũng có sân chơi để trưởng thành.

ĐT Việt Nam

Bài học nhãn tiền của người Thái

Trước khi rơi vào tình cảnh loay hoay như hiện tại, bóng đá Thái Lan đã có mạch thăng hoa dài. Dưới thời HLV Kiatisak, họ dễ dàng vô địch SEA Games 2013, 2015, AFF Cup 2014, 2016, vào đến bán kết Asiad 2014.

Đỉnh cao của triều đại Zico Thái chính là việc lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Tuy nhiên, đây cũng là bước ngoặt khiến bóng đá Thái Lan tụt dốc. Lứa cầu thủ tài năng Bunmathan, Thitipan, Channathip, Kawin, Narubadin… làm mưa làm gió ở các giải đấu khu vực với lối chơi tik-tok, nhưng thua liểng xiểng khi dự vòng loại cuối World Cup.

Nằm cùng bảng Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, UAE và Iraq, Thái Lan thua tới 8 trận, hòa 2, xếp bét bảng, ghi được 6 bàn nhưng thủng lưới tới 24 lần. Khoảng cách với nhóm đầu châu lục là khá xa nhưng người Thái lại… không chấp nhận điều đó.

HLV Kiatisak phải cay đắng ra đi, người lên thay là HLV danh tiếng Rajevac. Ông muốn vực dậy bóng đá Thái Lan tại AFF Cup 2018, nhưng sự không toàn tâm với sân chơi khu vực khiến Thái Lan ngã đau đớn tại bán kết, và HLV này tiếp tục bị “trảm”.

Thất bại nối tiếp thất bại. ĐT Thái Lan của HLV Sirisak thảm bại tại King’s Cup 2019, khiến HLV này… bay ghế. Dưới thời HLV Akira Nishino, họ tiếp tục bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2019, và thảm bại tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022.HLV người Nhật Bản lại ra đi không kèn không trống. Bóng đá Thái Lan không rõ mình đang ở đâu.

 

Mặc dù đối thủ khủng hoảng, nhưng nên nhớ ĐT Việt Nam suốt thời gian này cũng không thể giành nổi chiến thắng. Tại AFF Cup 2018, chúng ta đăng quang mà không phải đụng độ đối thủ này.

Trong 2 lượt trận đối đầu tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, chúng ta cũng chỉ kiếm được về 2 trận hòa. Nói vậy để thấy Thái Lan tuy không còn là “con ngáo ộp”, nhưng cũng không phải đối thủ cứ muốn là thắng được.

Những kết quả tích cực gần đây không đồng nghĩa bóng đá Việt Nam đã trên tầm đối thủ. Có chăng, ta đang có sự ổn định hơn, có lứa cầu thủ trẻ trung và gắn kết hơn, có 1 HLV hiểu nền bóng đá hơn Thái Lan mà thôi.

Bài học Thái Lan mơ hồ khi ra sân chơi lớn, để rồi bối rối đánh mất vị thế độc tôn tại Đông Nam Á vẫn còn nóng hổi. Thế nên, câu trả lời hợp lý nhất, có lẽ là ĐT Việt Nam trước tiên phải giữ vững vị thế tại sân chơi khu vực, đặt nền móng vững chắc trước khi nghĩ tới chuyện tiệm cận trình độ chơi bóng của châu lục.

Còn hiện tại, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng ở sân chơi vượt tầm như vòng loại thứ 3 World Cup. Hiểu rõ sức mạnh nội tại mới có thể tiếp cận đúng và tạo nên sức bật để tiến bộ!

 

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm