Thể thao

Hà Nội FC mất chức vô địch đầy tiếc nuối: Vì đâu mà thất bại?

Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng nói Hà Nội FC về nhì là thất bại. Vậy nên, ngay cả khi giành Siêu Cúp và Cúp QG, ngay cả khi giành ngôi á quân V.League ấn tượng, cầu thủ Hà Nội FC vẫn không vui.

Đến lượt Neymar kiện ngược lại Barca để đòi tiền thưởng / HLV Phan Thanh Hùng lên tiếng về tin đồn được HAGL chào mời

Ghi nhiều bàn nhất, thủng lưới ít nhất, nhưng…

Ở lượt cuối V.League 2020 dành cho nhóm vô địch, Hà Nội FC giành chiến thắng đậm đà 4-0 trước Than.QN trên sân nhà. Họ nín thở chờ đợi kết quả trận đấu cùng giờ giữa Sài Gòn FC và Viettel. Bởi chỉ cần hòa chung cuộc, Hà Nội sẽ lên ngôi vô địch. Nhưng không có một chữ nếu xảy ra khi ấy. Viettel với sự ổn định trong một loạt chuỗi trận thắng 1-0 đã bảo vệ thành công lợi thế của mình, qua đó giành chức vô địch V.League 2020 một cách nghẹt thở.

Phải rồi, hai chữ “ổn định” đã không xảy ra đối với Hà Nội ở mùa giải năm nay. Bất kể là khi họ là đội có hàng công mạnh nhất (37 bàn) và là một trong hai hàng thủ tốt nhất (thủng lưới 16 lần - ngang Viettel), đoàn quân của HLV Chu Đình Nghiêm vẫn không thể có lần thứ 3 liên tiếp ngồi trên ngai vàng V.League.

Nhìn hành trình đua vô địch giữa Hà Nội và Viettel thì mới thấy đội bóng thủ đô bấp bênh như thế nào về thứ hạng trong giai đoạn 1 của mùa giải.

Từ vị trí số 1 ở vòng đầu tiên, Hà Nội rơi xuống thứ 8 ở vòng 2. Tiếp nối sau đó là những đường lên xuống liên tục sau chuỗi trận thắng thua thất thường của Văn Quyết cùng các đồng đội. Hà Nội có thể thắng chẻ tre DNH Nam Định, Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương hay Hải Phòng nhưng cũng sẵn sàng thất trận trước Than.QN, SLNA hay Sài Gòn FC. Chính những trận đấu ấy khiến cho Hà Nội có thời điểm rơi xuống thứ 8 – vị trí cuối cùng trong nhóm có thể đua vô địch khi bước sang giai đoạn 2.

Đằng sau sự thất thường ấy của Hà Nội, đội bóng này trải qua một năm khó khăn chưa từng có về lực lượng. Có thời điểm, HLV Chu Đình Nghiêm chỉ có thể sử dụng được 15 cầu thủ đủ lành lặn cho một trận đấu. Lần lượt Đình Trọng, Duy Mạnh, Moses, Omar, Đức Huy, Tiến Thành, Văn Công,… thay nhau vào viện. Đó cũng là lý do mà tại sao phải chờ đến giai đoạn 2, Hà Nội FC mới có thể trở lại và tăng tốc. Nhưng họ vẫn không kịp để có thể về đích ở vị trí số 1, trước một Viettel không hề mắc một lỗi nào trong những khúc cua quyết định của giải đấu.

Hà Nội FC (trái) là đội bỏ lỡ cơ hội nhiều nhất Top 4 ở giai đoạn 2 Ảnh: Đức Cường

Hà Nội FC (trái) là đội bỏ lỡ cơ hội nhiều nhất Top 4 ở giai đoạn 2 Ảnh: Đức Cường.

Trách mình bỏ lỡ cơ hội

Hà Nội có thể trách vì đội có quá nhiều trường hợp chấn thương mà ảnh hưởng đến sự ổn định trong phong độ ở giai đoạn đầu mùa bóng. Nhưng họ cũng nên tự trách mình đã bỏ lỡ cơ hội trong một cuộc chiến nói riêng và cả một chiến dịch lớn nói chung. Chỉ nhìn vào giai đoạn 2 của V.League, Hà Nội là đội bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất trong nhóm 4 đội cuối cùng đua vô địch là Sài Gòn FC, Than.QN, Viettel và họ.

Một phép tính trung bình thế này, Hà Nội cần phải dứt điểm tới 3 lần trúng đích mới có thể chuyển hoá thành 1 bàn thắng. Rimario có thể là một trong hai chân sút lập nhiều công nhất ở V.League năm nay cùng với Geovane. Nhưng anh cũng thuộc top đầu những chân sút bỏ lỡ nhiều cơ hội nhất mà đồng đội trao cho mình.

Đó là sự lãng phí trong một trận đánh. Còn nhìn cả tổng thể V.League mùa này, Hà Nội đã tự bỏ lỡ nhiều lần có thể tự quyết cho bản thân mình. Hai lần đối đầu với Viettel ở V.League, Hà Nội không tài nào kết liễu được đối phương. Chính hai trận hoà mà đặc biệt là màn bất phân thắng bại tại giai đoạn 2 đã đẩy Hà Nội vào thế rượt đuổi và sau cùng là thất bại chung cuộc trước Viettel.

Không thành công trong những trận đánh trực tiếp với đối thủ cạnh tranh, Hà Nội còn “tự bắn vào chân mình” trong những trận đấu mà đáng ra họ có thể sở hữu 3 điểm một cách ngon lành. Điển hình nhất là 2 trận hoà đầy tiếc nuối trước Thanh Hoá và Quảng Nam ở hai lượt cuối giai đoạn 1. Nếu như đó là những chiến thắng hoặc ít nhất là một trong hai thì có lẽ lúc này, đội bóng thủ đô đã ăn mừng kỷ lục vô địch quốc gia lần thứ 6.

Vấn đề từ thước ngắm trên hàng tấn công, sự bất ổn của một số ngôi sao trong một năm mà V.League phải gián đoạn 2 lần vì dịch Covid-19 và không thể không nhắc đến chấn thương hàng loạt của nhiều cầu thủ đã tổng hoà nên một năm mà Hà Nội chỉ còn sắm vai kẻ thất bại vĩ đại. Nhưng có lẽ, việc phải rời ngôi vương năm nay sẽ khiến cho Hà Nội càng có thêm động lực hơn và tham vọng hơn để trở lại mùa sau. Và ngay hiện tại, họ đã bắt đầu hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng để sẵn sàng chào đón các bom tấn về với sân Hàng Đẫy.

 

Tấn Trường, bản hợp đồng thú vị
Sự xuất hiện của thủ môn Bùi Tấn Trường tại Hà Nội FC hồi cuối tháng 5/2020 đem đến sự chú ý của nhiều người hâm mộ. Bởi sau khi chia tay B.BD, Tấn Trường đã nghĩ đến chuyện nghỉ bóng đá. Nhưng sau lời đề nghị nghiêm túc từ Hà Nội, Tấn Trường đã quyết định Bắc tiến và gặt hái được thành công. 14 trận mà Tấn Trường đảm nhận vị trí trong khung gỗ, Hà Nội FC không thua một lần nào. Một nửa trong số đó, Tấn Trường giữ sạch lưới. Thủ thành 34 tuổi cũng tích luỹ thêm vào bảng thành tích cá nhân chức vô địch Cúp QG. Đáng tiếc rằng anh đã không thể giành chức vô địch V.League cùng Hà Nội.
Thành tích không thể so bì của Hà Nội FC
Không vô địch V.League bị coi là thất bại nhưng dù sao, Hà Nội cũng tạo nên một kỳ tích mà gần như chắc chắn không có đội bóng nào lập được. Kể từ năm 2010 đến nay, đội bóng Thủ đô luôn nằm trong Top 3 của V.League. Trong đó, Hà Nội 5 lần giành chức vô địch, chỉ một lần đứng hạng ba và cán đích hạng nhì ở các mùa còn lại.
Thành tích ấy cho thấy sự ổn định của Hà Nội tại V.League bởi sự đầu tư bài bản và đặc biệt luôn duy trì tham vọng cao. Trước đây, HAGL, Long An hay B.BD cũng như SHB.ĐN từng ít nhất 2 lần lên ngôi vô địch nhưng sau đó, lại trồi sụt thất thường, không tạo được sự ổn định cao như Hà Nội.

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm