HLV Calisto: Thành công ở Việt Nam và bản hợp đồng kỷ lục tại… Thái Lan
Một loạt đối thủ của Việt Nam ‘buông súng’ trước AFF Cup 2020 / Báo Thái Lan chạnh lòng vì đội tuyển Việt Nam có thủ môn giỏi
Tài năng, cá tính nhưng nhiều lận đận
Nhưng trước khi tiếp cận thành công đấy, HLV Calisto từng trải qua khá nhiều trắc trở trên con đường trở thành HLV đội tuyển Việt Nam. Thậm chí, có lúc vị HLV người Bồ Đào Nha còn tỏ ra bực mình vì cảm giác thiếu được tôn trọng trong một lần VFF tuyển chọn HLV cho đội tuyển cách nay nhiều năm, có ý chọn trước HLV Alfred Riedl, nhưng bề ngoài vẫn kêu gọi các ứng cử viên, trong đó có HLV Calisto, gửi hồ sơ cho VFF nghiên cứu.
Mặc dù vậy, gạt đi những trục trặc trong công việc, thì quãng thời gian làm việc tại Việt Nam vẫn là quãng thời gian thành công nhất trong sự nghiệp huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp của HLV Henrique Calisto.
Sau khi sớm giải nghệ cầu thủ vào năm 1978, khi mới 25 tuổi, ông Calisto chuyển sang nghiệp HLV. Người đàn ông này trong suốt 34 năm theo nghề của mình, từng dẫn dắt rất nhiều CLB ở 3 châu lục khác nhau, gồm châu Âu (Bồ Đào Nha), châu Á (Việt Nam, Thái Lan) lẫn châu Phi (Angola).
Năm 2001, rời đội bóng quê nhà Pacos Ferreira, HLV Calisto lần đầu đến Việt Nam, theo lời mời của ông bầu Võ Quốc Thắng, nắm đội Đồng Tâm Long An, khi đó vừa được đầu Thắng nhận lại từ ngành TDTT Long An, theo xu hướng xã hội hoá TDTT.
1 năm sau khi về với đội này, HLV Calisto giúp Đồng Tâm Long An vô địch giải hạng Nhất 2002, vượt lên trên HA Gia Lai đầy sao của bầu Đức (vốn hồi đó có cả Kiatisuk), để gia nhập V-League.
Cũng trong năm 2002, HLV Calisto lần đầu nắm đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup cùng năm, sau khi đội tuyển thất bại nặng nề tại SEA Games năm 2001, và không còn nhiều HLV ngoại dám dẫn dắt đội lúc đó, vốn đang chuyển giao thế hệ, người cũ đã giải nghệ gần hết, chỉ còn mỗi Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Đức Thắng, trong khi người mới toàn vô danh, như Nguyễn Minh Phương, Phan Văn Tài Em, Trần Trường Giang…
Ấy vậy mà đội bóng của HLV Calisto vẫn giành hạng ba giải vô địch bóng đá Đông Nam Á khi đó, còn Lê Huỳnh Đức ở kỳ AFF Cup cuối cùng của mình chơi hay chưa từng thấy dưới bàn tay của HLV Calisto.
Cũng dưới bàn tay của thầy “phù thuỷ” người Bồ Đào Nha, Tài Em, Minh Phương, Trường Giang vươn lên đẳng cấp khác hẳn, mà họ chưa từng nghĩ đến trước đó.
Lần chia tay thứ 2 và bản hợp đồng kỷ lục
Trở lại Đồng Tâm Long An, HLV Calisto giúp đội bóng của bầu Thắng vô địch V-League 2005 và 2006. Thành tích mà trước và sau khi có HLV Calisto, Gạch chưa bao giờ có được.
Không những nâng tầm cầu thủ, trong thời gian ở Việt Nam, HLV Calisto cũng là người “khai sinh” ra khá nhiều cái mới.
Ví dụ như ông không đăng ký chức danh HLV trưởng, mà đăng ký là Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) của CLB Đồng Tâm Long An (người giữ chức danh HLV khi đó là ông Huỳnh Ngọc San), cách làm mà về sau nhiều nhà chuyên môn và nhiều CLB bắt chước, để giảm áp lực hoặc để… “né” tiêu chuẩn bằng cấp mà AFC buộc các HLV phải có, nổi bật nhất là HLV Lê Thuỵ Hải (người giữ công việc của HLV trưởng như đi đến đâu cũng chỉ đăng ký là GĐKT).
Năm 2008, sau nhiều lần… nâng lên, đặt xuống, VFF quyết định chọn HLV Calisto làm người dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tại giải Đông Nam Á cùng năm. Thành quả của việc đó có lẽ không cần nhắc lại, với ngôi vô địch AFF Cup lần đầu tiên trong lịch sử của bóng đá nội.
Nhưng ngay sau kỳ AFF Cup liền sau đó, vào đầu năm 2011, HLV Calisto bất ngờ tuyên bố rời đội tuyển Việt Nam, để nhận lời dẫn dắt CLB Muangthong United của Thái Lan.
Giải thích cho quyết định của mình ngày đó, HLV Calisto nói: “Quyết định xin chấm dứt hợp đồng có một phần nguyên nhân đến từ những áp lực sau khi đội tuyển Việt Nam thất bại ở vòng bán kết AFF Cup 2010. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là tất cả vì tôi đã quá quen với áp lực. Tôi cũng có những lý do riêng, tôi không bình luận nhiều về những thông tin VFF đưa ra, tôi chỉ có thể khẳng định đây là một quyết định khó khăn đối với cá nhân tôi”.
Rời đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto đến với CLB Muangthong United của Thái Lan, với mức lương lên đến 33.000 USD/tháng (trong khi lương của vị HLV này tại Việt Nam chỉ vào khoảng 20.000 USD/tháng). Đây là mức lương kỷ lục ở Đông Nam Á thời đó, mà chưa có cầu thủ hay HLV nào nhận được từ các đội bóng trong khu vực.
Muangthong United thời điểm năm 2011 đang ở vào giai đoạn cực thịnh, với tiềm lực tài chính cực kỳ hùng hậu, cùng tham vọng cao ngút trời.
Tuy nhiên, quãng thời gian sau khi rời khỏi Việt Nam của HLV Calisto không thành công như ý vị HLV người Bồ Đào Nha. Ông Calisto rời Muangthong chỉ sau 8 tháng cầm quân, vì thành tích không đáp ứng được yêu cầu của CLB.
HLV Calisto sau đó lại trở về Bồ Đào Nha, rồi sang châu Phi nắm đội Recreativo Libolo (Angola), nhưng cũng chỉ được chừng 4 tháng. Rồi ông về Bồ Đào Nha lần nữa, dẫn dắt đội bóng quê nhà Pacos Ferreira, trước khi giải nghệ vào năm 2014, ở tuổi 61.
Gần đây, có thông tin cho rằng HLV Calisto có thể trở lại Việt Nam, để thay thế ông Jurgen Gede, làm GĐKT của VFF, nhưng vị HLV người Bồ Đào Nha đã chính thức phủ nhận thông tin này.
Trong sự nghiệp 34 năm làm HLV chuyên nghiệp của mình, trải qua rất nhiều môi trường bóng đá khác nhau, nhưng khoảng thời gian đúng 10 năm làm việc tại Việt Nam, lại là khoảng thời gian đẹp nhất của HLV Calisto, để ông luôn xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo