M.U chiêu mộ Wan-Bissaka với mức phí cao nhưng “không hề đắt”
Solskjaer gây sốc với kế hoạch tận dụng "số 9 một thời" trong đội hình MU để thay Lukaku đá trung phong / Sanchez giải thích 'sốc' về phong độ trái ngược ở ĐT Chile và MU
Thời gian trôi nhanh và sự khắc nghiệt của thế giới bóng đá không nằm ngoài guồng quay ấy. Trở lại tháng 1 năm 2018, Aaron Wan-Bissaka đầy thất vọng ở lại Crystal Palace sau khi huấn luyện viên khi Roy Hodgson từ chối yêu cầu cho mượn của cầu thủ trẻ với một đội bóng đang thi đấu tại League Two để giữ anh lại cho đội dự bị, phục vụ công cuộc trụ hạng tại Premier League của “Đại bàng”.
Chưa đầy 18 tháng sau, Wan-Bissaka trở thành cái tên đình đám hàng đầu trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ tại xứ sương mù khi Man Utd đeo bám sát hậu vệ của Crystal Palace với đề nghị chuyển nhượng tới 50 triệu bảng. Ở thời điểm hiện tại, bản hợp đồng này cơ bản xong xuôi và Wan-Bissaka sẽ sớm trở thành hậu vệ đắt giá nhất của “Quỷ đỏ”.
Với các cầu thủ trẻ ở Anh, việc kiếm tìm cơ hội ra sân ở các đội bóng thi đấu tại Premier League không dễ dàng. Ngoài tài năng còn phải cần chút may mắn, cuộc sống của Wan-Bissaka thay đổi mạnh mẽ kể từ chấn thương của Joel Ward và Martin Kelly vào đầu năm 2018, cơ hội trao tay và anh không hề sợ hãi. Wan-Bissaka nhanh chóng nắm bắt thời cơ chứng minh khả năng của mình.
Bảy trận đấu của mùa giải 2017/18 không phải con số đáng kể, nhưng là bước tiến mạnh mẽ để Crystal Palace nhận ra họ đang sở hữu một viên ngọc sáng trong tay. Đội bóng thành London quyết định giữ chân anh bằng bản hợp đồng mới vào tháng 4/2018 khi mùa giải còn chưa kết thúc. Các nhà quản lý của Crystal Palace sớm nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của Wan-Bissaka và nhanh chóng đẩy anh lên một tầm cao mới ở mùa giải 2018/19
Wan-Bissaka đã có 39 lần ra sân, trong đó có 35 lần xuất hiện ở đội hình xuất phát của Crystal Palace ở mùa giải vừa qua. Thi đấu vững chắc, lên công về thủ nhịp nhàng ở bên hàng lang cánh phải, Wan-Bissaka góp phần giúp đội bóng của mình kết thúc ở vị trí thứ 12, chỉ kém 8 điểm so với đội bóng xếp thứ 7 Wolves, đội bóng được quyền dự UEFA Europa League 2019/20.
Nhờ phong độ ổn định, thăng hoa, Wan-Bissaka được nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất mùa giải 208/19 của Crystal Palace. Tài năng của Wan-Bissaka đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những hậu vệ hàng đầu của Premier League, cho nên không ngạc nhiên khi Ole Gunnar Solskjaer và các đội bóng khác theo dõi sát sao sự phát triển của tuyển thủ U21 Anh.
Số tiền 50 triệu bảng là một khoản phí lớn, ngay cả khi thị trường biến động và tăng cao ngay như hiện nay. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể từ vị thế của Man Utd, xã hội bóng đá Anh, tài năng và tiềm năng phát triển của Wan-Bissaka thì thấy rằng thương vụ này của “Quỷ đỏ” vẫn rất tuyệt vời, một thương vụ chuyển nhượng “không hề đắt”.
Man Utd hiện nay không có được sức hấp dẫn lớn các danh thủ, đặc biệt những người thi đấu cho các đội bóng lớn tại châu Âu. Đội chủ sân Old Trafford không được thi đấu ở Champions League mùa tới, đội hình cũng trải qua sáu năm không vô địch Premier League nên cũng khó thuyết phục những ngôi sao lớn, giàu tham vọng. Trong khi đó Man Utd lại đang khát hậu vệ phải sau khi vừa chia tay Anontino Valencia.
Cả Ashley Young và Diago Dalot đều không đem lại sự tin tưởng lớn cho hậu vệ cánh phải nên bắt buộc Man Utd phải tăng cường nhân sự ở Hè năm nay. Sự có mặt của Wan-Bissaka là tin không vui với Diogo Dalot, tuyển thủ U21 Bồ Đào Nha, người gia nhập Man Utd vào Hè năm ngoái với giá gần 20 triệu bảng. Dẫu vậy việc Man Utd cùng sở hữu tới hai hậu vệ phải tài năng sẽ thúc đẩy họ cạnh tranh, phát triển, điều đó cũng có lợi cho CLB.
“Ra sân mỗi tuần giúp tôi có động lực và thi đấu chăm chỉ nhưng tôi chắc chắn biết những gì tôi có thể đạt được trong các trận đấu. Bầu trời thực sự có giới hạn đối với tôi”, Wan-Bissaka trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm ngoái về tiềm năng của anh. Số liệu thống kê ở mùa giải năm trước nói lên giá trị của cầu thủ này, trung bình 3,7 cú tắc, 3,7 lần phá bóng, 2,4 lần đánh chặn và 1,7 lần rê bóng thành công trong mỗi trận của Crsytal Palace ở mùa giải 2018/19.
Một điều rất thú vị với Wan-Bissaka là anh thường chơi rất tốt ở các trận đấu lớn, thống kê cho thấy hậu vệ phải của Crystal Palace luôn chơi xuất sắc trong các cuộc chạm trán với nhóm “Big Six” ở mùa giải vừa qua. Xét về tổng thể số lần tắc bóng, Wan-Bissaka có tới 129 lần, chỉ kém hai vệ tiền vệ đánh chặn Wilfried Ndidi của Leicester (143 lần) và Idrissa Gueye của Everton (142 lần), đương nhiên anh đứng đầu trong danh sách các hậu vệ tại Premier League 2018/19.
Ngoài yếu tố CLB và cầu thủ, việc các cầu thủ người Anh luôn bị đòi hỏi giá cao hơn so với mặt bằng chung trên thị trường chuyển nhượng tại Anh là không mới, bởi các quy định khắt khe từ FA đối với các CLB về việc đăng ký cầu thủ trong nước (CLB đào tạo ra, trưởng thành từ lò đào tạo trong nước). Vì thế đặc biệt với các đội bóng lớn, họ thường bị “hét giá” khi muốn chiêu mộ một tài năng thực sự người Anh.
Nhìn sang Man City, Guardiola từng “than phiền” về giá trị chuyển nhượng của Johns Stones quá cao. Giờ đây chính Man City cũng đang theo đuổi Harry Maguire, một tuyển thủ Anh đang được hét giá tới 80 triệu bảng dù tài năng chưa phải thuộc tốp các hậu vệ hàng đầu thế giới. Vì vậy việc Man Utd chiêu mộ hậu vệ phải xuất sắc nhất Premier League với giá 50 triệu bảng xét cho cùng cũng… vẫn hời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo