Sau khi lên thay thế Jose Mourinho vào tháng 12 năm ngoái, Ole Solskjaer lập tức giúp M.U “lột xác” về mọi mặt, từ tinh thần thi đấu cho đến lối chơi. HLV người Na Uy yêu thích bóng đá tấn công và tin rằng M.U phải chơi bóng đá tấn công, phải duy trì bản sắc vốn có. Chính niềm tin đó đã giúp các cầu thủ M.U thăng hoa và thắng như chẻ tre trong giai đoạn đầu.
>> Xem thêm: Thế hệ hiện tại của bóng đá Việt Nam không ngán Thái LanTuy nhiên, cũng phải nói công bằng rằng Ole Solskjaer đến đúng vào thời điểm M.U có lịch thi đấu thuận lợi nhất. Trong 4 vòng liên tiếp ở Premier League, M.U chỉ phải gặp những đội ở nhóm cuối bảng xếp hạng như Cardiff City, Huddersfield, Bournemouth và Newcastle. Đến trận thứ 5 gặp Tottenham, M.U đã có một phen “chết hụt” và chỉ giành chiến thắng nhờ sự xuất thần của thủ môn David de Gea. Tiếp đến, trong một giai đoạn dài, M.U phải gặp rất ít đối thủ lớn ở Premier League.
Thất bại đầu tiên của M.U đến khi họ gặp Paris SG ở đấu trường Champions League. Đó là trận đấu phô bày nhiều hạn chế của Quỷ đỏ, khi mà tinh thần thi đấu và vận may không đủ bù đắp cho thiếu sót về chất lượng. Ngay cả khi M.U có cuộc ngược dòng khó tin tại nước Pháp, người ta vẫn thấy rõ họ may mắn nhiều hơn “đẳng cấp”. Và quả thực, sau khi bung hết sức lực cũng như vận may ở Paris, M.U đã thua liền 2 trận trước Arsenal và Wolves. Đó không phải tai nạn, cũng không phải bước lùi như Solskjaer đề cập đến. Các thất bại này đơn giản phản ánh đúng thực lực của M.U. Họ không có đủ con người cũng như chất lượng để thăng hoa một cách… ổn định.
Ở các trận đấu với Arsenal và Wolves vừa qua, M.U đều có đội hình tương đối mạnh nhờ sự trở lại của các ngôi sao sau chấn thương. Nhưng tất cả đều không đảm bảo được thể lực. Đây là điều dễ hiểu, vì các cầu thủ áo đỏ đã “tích lũy” sự mệt mỏi trong suốt 2 tháng trước đó, khi mà họ chơi bóng năng động hơn, chạy nhiều hơn hẳn so với thời Mourinho. Thời điểm sự hưng phấn đạt đỉnh nhờ chiến thắng trước Paris SG cũng là lúc các cầu thủ M.U bắt đầu thả lỏng tinh thần. Đây là chuyện rất bình thường với tâm lý con người. Khi không còn tinh thần chiến đấu ngút trời, các vấn đề về thể lực cũng như chất lượng con người ở M.U nhanh chóng bộc lộ.
Thế nhưng, M.U cần cảm thấy may mắn khi họ đã thua 2 trận đúng thời điểm “đẹp” nhất, đó là khi các ĐTQG tập trung trở lại lần đầu tiên trong năm 2019. 2 tuần tạm nghỉ là thời gian quý báu cho Ole Solskjaer và các cộng sự đánh giá lại tình hình. Trong khi đó, nhiều cầu thủ M.U không lên tuyển cũng có cơ hội cải thiện thể lực, rèn luyện các kỹ năng phù hợp với mong muốn của HLV người Na Uy. Số còn lại cũng có "nốt trầm" vừa đủ để lấy lại tinh thần vượt khó.
Quan trọng hơn, các thất bại trước Arsenal và Wolves không khiến mọi thứ đi vượt quá tầm kiểm soát của M.U. Trận thua ở Emirates khiến họ mất vị trí thứ 4 ở Premier League, nhưng khoảng cách giữa họ và Pháo thủ cũng chỉ là 2 điểm. Trong khi đó, ý nghĩa tích cực của thất bại trước Wolves là giúp M.U đỡ phải tham gia 1-2 trận “đại chiến” ở giai đoạn quyết định của mùa giải. Cần nhấn mạnh rằng FA Cup vốn là danh hiệu có thì tốt, không có cũng không sao với Quỷ đỏ. Mục tiêu quan trọng nhất của họ lúc này vẫn là vé dự Champions League mùa sau. Ngay cả bản thân Ole Solskjaer cũng vậy. Vô địch FA Cup không đảm bảo cho ông có vị trí chính thức ở M.U, nhưng một suất trong top 4 thì đủ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao M.U không thua Arsenal hay Chelsea từ các vòng đấu trước của FA Cup? Ở đây vấn đề không phải là M.U buông hay không buông, mà họ đã “hết lực” đúng thời điểm. Chưa kể, đối đầu với Arsenal và Chelsea hoàn toàn khác với Wolves, bởi lẽ đây cũng là 2 đối thủ trực tiếp trong cuộc đua top 4 của Quỷ đỏ. Họ cần chiến thắng để duy trì mạch trận thăng hoa mới chớm dưới thời Solskjaer.
Nói như vậy để thấy, M.U được lợi nhiều hơn thiệt khi thua liên tiếp 2 trận trước Arsenal và Wolves ở thời điểm này. Nếu vẫn thắng, và “hết hơi” ở một vài tuần sau, Quỷ đỏ còn có nguy cơ mất cả mùa giải chỉ trong vòng 1 tuần ngắn ngủi, bởi lẽ khi đó sẽ không còn thời gian cho họ nhìn lại vấn đề và sửa sai.