M.U và hai dấu hiệu "nguy khốn" trước "ngày phán quyết"
Chức vô địch 'giá rẻ' của Real / 'Leeds có thể trở thành Chelsea thứ hai'
Ở vòng 37 Ngoại hạng Anh, M.U giành được 1 điểm trước West Ham để chính thức chen chân vào Top 4 sau 10 tháng. Thậm chí, Quỷ đỏ còn leo lên thứ 3 do Chelsea đã bại 3-5 dưới tay nhà ĐKVĐ Liverpool. Đó quả thực là cái may của Man United.
Công bằng mà nói, M.U đã chơi một trận tệ trước West Ham, và nếu The Hammers sắc sảo hơn, Quỷ đỏ chắc chắn đã phải ôm hận. Với những người đã cất công thức đêm theo dõi M.U thi đấu, có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng đoàn quân của HLV Ole Gunnar Solskjaer đã không còn duy trì được một khí thế hừng hực như trước.
Thực tế, tinh thần chiến đấu của M.U vẫn tốt, nhưng thể lực cạn kiệt đã không cho phép họ phát huy hết được khả năng của mình. Càng về cuối trận, những ngôi sao của Quỷ đỏ như Harry Maguire, Bruno Fernandes, Marcus Rashford hay Anthony Martial chạy không nổi, thường xuyên chạy bộ cầm hơi. Cũng khó trách họ, bởi M.U đã trải qua mật độ thi đấu dày đặc với trung bình 3 ngày/trận.
"Đội nào chả như đội nào chứ có riêng gì M.U phải đá với mật độ dày đặc vậy đâu?". Nhiều cổ động viên sẽ đặt ra câu hỏi này. Điều này không sai, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở việc HLV Ole Gunnar Solskjaer đã bắt các trụ cột cày ải liên tục, dồn dập trong quãng thời gian ngắn mà ngay đến "trâu bò" cũng khó chịu nổi nhiệt.
Kể từ khi bóng đá trở lại hậu đại dịch Covd-19, mỗi CLB ở Ngoại hạng Anh (nhiều giải đấu khác cũng vậy) được quyền thay 5 cầu thủ thay vì 3 như trước. Lý do thì ai cũng hiểu, đó là nhằm bảo vệ các cầu thủ tránh chấn thương hoặc thể lực bị bào mòn sau quãng thời gian dài rời xa sân cỏ. M.U đã đi theo lộ trình này, song càng về cuối, HLV Solskjaer trở nên thận trọng hơn, thành ra số lượng cầu thủ dự bị được vào sân ngày càng ít đi.
Fernandes đã thấm mệt.
Ở trận hòa 2-2 trước Southampton, M.U thay 4 cầu thủ. Và kể từ trận gặp Crystal Palace (vòng 36) đến nay, Quỷ đỏ chỉ thay đúng 2 cầu thủ và đều vào giai đoạn nửa cuối của trận đấu. Chính điều này khiến các trụ cột của Man United bị vắt kiệt sức, nên chuyện thi đấu không còn hay như trước cũng là điều dễ hiểu. Nếu nhìn vào Fernandes, chúng ta sẽ nhìn ra rất rõ vấn đề này.
Kể từ màn so tài với Southampton, Fernandes đã cho thấy sự hụt hơi. Anh thấm mệt ở giai đoạn cuối trận, lê những bước chạy nặng nề, thậm chí chạy không nổi nhưng không được rút ra nghỉ. Sang tới chiến thắng 2-0 trước Palace, Fernandes tiếp tục đá đủ 90 phút nhưng không có bất kỳ bàn thắng hay đường kiến tạo nào. Còn trước West Ham, Fernandes thường xuyên chuyền hỏng do đôi chân đã quá mỏi mệt và gần như rơi vào trạng thái "hết pin".
Trên băng ghế dự, M.U còn khá nhiều sự lựa chọn có thể vào sân như Fred, Scott McTominay, Juan Mata, Jesse Lingard, Daniel James, song HLV Solskjaer một mực giữ các trụ cột như Fernandes, Pogba, Rashford, Martial... ở lại sân chiến đấu.
Vậy toan tính của nhà cầm quân người Na Uy là gì? Thực ra là chẳng có bất kỳ tính toán nào cả. Đơn giản bởi Solskjaer lo sợ nếu rút Fernandes ra khỏi sân mà M.U bị chọc thủng lưới, thì lấy gì gỡ hòa đây? Ai cũng biết tầm quan trọng của Fernandes với M.U là lớn đến nhường nào, và khi bị đặt trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, Solskjaer không thể mạo hiểm thay người. Nếu cho các trụ cột ra nghỉ mà M.U bại trận, dẫn tới mất suất ở Top 4, ông hoàn toàn có thể mất ghế.
Còn nhớ hồi giữa mùa giải này, Rashford gặp vấn đề ở lưng nhưng HLV Solskjaer vẫn một mực sử dụng anh. Hệ quả, Rashford dính chấn thương nghiêm trọng, phải nghỉ một thời gian dài và dịch Covid-19 đã cứu cho M.U một bàn thua trông thấy khi tiền đạo người Anh có thêm thời gian hồi phục để trở lại thi đấu.
Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Việc Solskjaer khai thác triệt để Fernandes cùng nhiều trụ cột khác một phần là do băng ghế dự bị của Quỷ đỏ khá tệ. Giả sử Fernandes ra nghỉ, ai sẽ vào thay cáng đáng nhiệm vụ sáng tạo cho M.U? "Tài năng trẻ" Lingard hay một Mata đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp?.
Thêm nữa, việc ít hoặc không được HLV Solskjaer sử dụng trong một thời gian dài khiến bản thân các cầu thủ dự bị như James, Ighalo hay Fred bỗng dưng mất dần sự tự tin. Chẳng thế mà James hồi đầu mùa đá hay là vậy, nhưng giờ vào sân chơi như gà mắc tóc, có mặt chỉ cho đủ người, hay Ighalo cũng không còn "bén" như trước. Chẳng rõ với một đội hình kiệt quệ như vậy, M.U có đủ sức cân nổi Leicester hay không.
Ngoài ra, còn một mối lo nữa dành cho M.U trước "trận chung kết" gặp Leicester, đó là vị trí hậu vệ cánh trái. Luke Shaw đang dính chấn thương và tài năng trẻ Brandon Williams nhiều khả năng sẽ tiếp tục được trọng dụng. Hậu vệ này là một phát hiện của HLV Solskjaer mùa này, khi anh có nhiều màn trình diễn ấn tượng mỗi lần được trao cơ hội ở đội một.
Thế nhưng, trước West Ham, Williams đã có trận đấu dở tệ. Anh thường xuyên để đối phương qua mặt, và The Hammers có lẽ biết rõ hành lang cánh trái của Willams là mắt xích yếu nhất nên liên tục khoan phá. Nếu sắc sảo hơn ở các cơ hội, West Ham chắc chắn đã khiến M.U phải lưới nhặt bóng trên một lần.
Dù vậy, cũng nên thông cảm cho Williams bởi anh là cầu thủ thuận chân phải nhưng phải đá cánh trái. Việc đá ở cánh nghịch chân rõ ràng là điều đi ngược với xu thế của bóng đá đỉnh cao. Những hậu vệ trái xuất sắc như Jordi Alba, Marcelo, Andy Robertson hay David Alaba đều thuận chân trái, và việc thuận chân nào đá cánh nấy giúp họ luân chuyển bóng tốt hơn, đặc biệt là có thể dâng cao để tung ra những quả căng ngang hoặc lật vào lợi hại.
Do đá ở cánh nghịch chân, Williams gặp khá nhiều khó khăn trong việc phối hợp với đồng đội. Mỗi khi nhận bóng, hậu vệ trẻ này thường mất thêm nhịp để đưa bóng qua chân phải trước khi tính tới phương án tiếp theo. Bên cạnh đó, sao mai 19 tuổi cũng rất hiếm khi dâng cao để tung ra các quả tạt vào trong cho đồng đội dứt điểm.
Rõ ràng, nền tảng thể lực suy kiệt cùng vị trí của Williams sẽ là hai mối nguy cực lớn của Man United trước trận chiến sinh tử với Leicester vào cuối tuần này. Nếu không tìm ra phương án khắc phục, Quỷ đỏ rất có thể sẽ phải ôm hận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo