Man City của Guardiola đã thay đổi cách để vô địch Ngoại hạng Anh
Tại sao ĐT Trung Quốc gọi đến 52 cầu thủ? / Dự đoán kết quả vòng 22 Ngoại hạng Anh: Man City đánh bại Chelsea, MU bị chia điểm
Trong chuyến xe di chuyển tới SVĐ Dragao của Porto để tham dự trận chung kết Champions League 2020/21, HLV Thomas Tuchel đã biết được thông tin đối thủ không sử dụng cả Rodri và Fernandinho trong đội hình xuất phát. Chiến lược gia người Đức sốc nặng, không biết cái bẫy gì đang chờ đợi mình, dù rằng Man City của Pep Guardiola chưa bao giờ dễ đoán, đặc biệt là trong một trận đấu quan trọng như thế này.
Và dù Chelsea đã vượt qua được sự "hư hư thực thực" của đối thủ để giành cúp bạc, Tuchel cũng phải thừa nhận rằng số phận trận chung kết hoàn toàn nằm trong những lựa chọn của Guardiola.
Nói cách khác, là Man City của Pep "tự hủy", thay vì bị đối thủ đánh bại. Và đó có lẽ cũng là hi vọng duy nhất của phần còn lại tại Ngoại hạng Anh mùa này trong cuộc đua vô địch.
Chelsea đương nhiên muốn đánh bại Man City ngay tại Etihad vào chiều tối nay để khiến cuộc đua vô địch hấp dẫn hơn. Nhưng thầy trò Tuchel hiểu đôi khi quyền quyết định không nằm trong tay họ.
Nếu Man City giành thắng lợi thì mọi thứ coi như 99% xong. Chức vô địch thứ 4 trong 5 mùa đã an bài, với 3 lần trong số đó được đảm bảo từ trước khi giai đoạn knock-out của Champions League bắt đầu.
Hình ảnh này đang dần trở nên nhàm chán với Ngoại hạng Anh
Ngay từ lúc này, trong đầu đại bộ phận người hâm mộ đã dấy lên câu hỏi: Liệu sự thống trị này có lợi cho bóng đá Anh? Liệu Ngoại hạng Anh có đang đi theo con đường trở thành giải đấu của một CLB, như Bundesliga hay Ligue 1?
Trước đây, bóng đá Anh cũng từng nằm gọn trong tầm kiểm soát của các thế lực xưa cũ như Liverpool và Man United. Nhưng mọi thứ thời đó rất khác.
Khi Liverpool thống trị trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tài chính gần như không liên quan gì tới vấn đề chuyên môn. Thế mới có chuyện những đội bóng có quy mô hạn chế như Aston Villa và Nottingham Forest cũng có thể vô địch giải VĐQG và Cúp C1.
MU thì là CLB bóng đá đầu tiên nhận ra tiềm năng kinh doanh trong bóng đá và tối đa nó, mang lại điểm tựa vượt trội trong triều đại dẫn dắt của Sir Alex. Tuy nhiên, ngay cả khi Quỷ đỏ cực thịnh, điểm số cao nhất mà họ giành được trong một mùa chỉ là 91, và một số chức vô địch thậm chí chỉ cần 75, 79 hay 80 điểm.
Nói một cách khác, MU "cho" những đối thủ khác một cơ hội để đua tranh, và các cuộc đua thực sự kịch tính đến tận phút chót.
Nhưng giờ thì hãy quên chuyện đó đi. Mùa này, City giành trung bình 2,52 điểm/trận, tức là họ có thể giành tới 96 điểm sau vòng 38. Nếu nghĩ theo hướng điên rồ hơn, tức là City có thể thắng toàn bộ 17 trận còn lại, họ thậm chí sẽ giành tới 104 điểm.
Đó là một kịch bản rất khó khả thi. Nhưng Man City đang có mạch 11 chiến thắng, kỷ lục của họ là 18, và có Chúa mới biết họ có thể phá sâu kỷ lục của mình hay không?
Nhưng thôi, hãy cứ quay về với mốc "khả thi" 96 điểm. Nếu giành được 96 điểm thì Man City sẽ trở thành đội thứ 5 trong lịch sử vượt qua 95 điểm. Hai trong số đó là Liverpool của mùa 2018/19 và 2019/20, nhưng tin được không, The Reds chỉ vô địch có 1 lần. Bởi lẽ 2 lần còn lại thuộc về City của mùa 2017/18 và 2018/19.
Kể cả trong mùa "tệ hại" của mình là 2019/20, City cũng giành 81 điểm (đứng thứ 2 sau Liverpool) và đây là số điểm đủ để họ vô địch 3 mùa giải khác trong thế kỷ này.
Hai đối thủ bám đuổi City là Liverpool và Chelsea cũng có khả năng giành được lần lượt 80 và 78 điểm. Đây thực tế cũng là số điểm đủ để vô địch trong quá khứ.
Liverpool và Chelsea thực ra không quá yếu so với Man City. Họ đã đua tranh sòng phẳng và mới chỉ hụt hơi ở 4 vòng gần đây. Nếu trong quá khứ, họ đủ cơ hội để bắt kịp. Nhưng ở thời điểm hiện tại, khoảng cách 10 điểm trong cuộc đua với Man City là một bài toán gần như không có lời giải.
Cứ cho là City thua trong cả 2 trận lượt về với Liverpool và Chelsea đi, số điểm "khả năng" vào cuối mùa của họ vẫn là 90, cao chót vót.
Hãy nhớ, đây mới chỉ là giữa tháng 1, mà khoảng cách đã rất mênh mông rồi. Nếu không có gì bất ngờ thì đây sẽ là lần thứ 3 trong 5 mùa, Pep vô địch nhờ chuỗi toàn thắng ở giai đoạn giữa mùa.
Man City mang đến cảm giác về một cỗ máy chiến thắng trong truyền thuyết, không cho bất cứ đối thủ một cơ hội nào để bắt kịp mình chứ đừng nói là vượt qua. Sir Alex từng thừa nhận 95 điểm mà Chelsea của Mourinho giành được trong mùa 2004/05 khiến ông phải thay đổi cách nhìn về cuộc đua vô địch.
Và bây giờ, màn thể hiện vượt trội của City đặt ra một tiêu chuẩn mới, nâng cấp hơn rất nhiều. Nói cách khác, City trong tay Pep đã thay đổi cách để vô địch Ngoại hạng Anh.
Vậy nghĩa là không còn cơ hội nào cho những đối thủ trực tiếp, như Chelsea? Đương nhiên là không, cơ hội vẫn còn, và thầy trò Tuchel thậm chí có thể học từ chính Man City để mơ về những cuộc lội ngược dòng.
Không nói đâu xa, trước trận lượt đi mùa này giữa hai đội ở Stamford Bridge, Man City khó khăn tứ bề. Trận hòa không bàn thắng với Southampton khiến City giậm chân ở vị trí thứ 5, trong khi Chelsea đang đứng đầu bảng. Đấy là trận thứ 2 trong 5 trận gần nhất, City không ghi được bàn và câu chuyện về "tiền đạo thực thụ" lại được đem ra mổ xẻ.
Thế nhưng, tại Stamford Bridge, City lại đánh bại The Blues với bàn thắng duy nhất của Jesus.
Bạn tưởng như thế là bước ngoặt để City trở lại? Chưa đâu. Sau đó, họ thua PSG 0-2 ở Champions League, rồi hòa Liverpool 2-2 trong một tuần lễ vô vàn khó khăn. Chelsea thì vẫn dẫn đầu Ngoại hạng Anh cho tới tận vòng 14. Vậy mà bây giờ thì sao? Chắc mọi người đều hiểu cả rồi.
Đó, người kiên trì luôn được tưởng thưởng. City thật sự đã rất kiên trì trong 2 mùa giải gần nhất của mình và nếu họ làm được, không lí gì Chelsea không làm được.
Những chuỗi chiến thắng mang tới chức vô địch cho Man City dưới thời Pep Guardiola 2017/18: 18 chiến thắng (26/8 đến 27/12) 2018/19: 14 chiến thắng (3/2 đến 12/5) 2020/21: 15 chiến thắng (19/12 đến 2/3) 2021/22?: 11 chiến thắng (6/11 đến Hiện tại) |
End of content
Không có tin nào tiếp theo