Man City: Pep Guardiola đã trở về với thực tế
Bruno Fernandes bất ngờ chọn số áo lạ lẫm tại M.U / Bruno Fernandes: 'Ronaldo dẫn lối cho tôi tới M.U'
Bây giờ không còn là lúc để Man City của Pep Guardiola hễ đã ra sân là sẽ chiến thắng như một sự mặc định trong làng bóng Anh, như mùa bóng 2017/18 với hàng loạt kỷ lục hào hùng ở Premier League, hoặc mùa bóng trước nữa với mọi danh hiệu trong nước. Bây giờ, đố Guardiola dám “tự nhốt mình trong phòng” mỗi khi không thắng. Cũng không còn là lúc để Guardiola phát biểu những câu xúc phạm cả nghề nghiệp lẫn đồng nghiệp, kiểu như ông không hiểu “tắc” bóng là gì, cầu thủ của ông không biết tắc bóng vì điều đó không có trong cách huấn luyện của ông!
Bây giờ là lúc Guardiola phải “hạ mình” nhìn ra cái điều căn bản của bóng đá đỉnh cao: hiệu quả, chiến thắng chung cuộc, mới là điều quan trọng nhất. Vâng, M.U đã thắng, nhưng Man City mới là đội giành quyền đi tiếp. Guardiola chắc chắn cũng sẽ hài lòng nếu ông được chọn giữa “chiến thắng” và “đi tiếp” ở giai đoạn knock-out sắp tới tại Champions League.
Chỉ ra những chỗ không hay của Man City trong trận thua M.U 0-1 thì rất đơn giản. Hàng công dứt điểm không chuẩn, với Raheem Sterling kéo dài cơn khát bàn thắng trong năm 2020. Ở khu vực ngay trước hàng thủ, họ mất bóng khá nhiều. Tổng quát hơn, người ta không còn nhận ra một Man City từng dễ dàng dẫn trước 3-0 chỉ trong hiệp 1 ngay trên sân Old Trafford ở trận lượt đi nữa.
Thật ra, đấy chính là câu trả lời. Man City của Pep phải cố lặp lại hình ảnh xuất sắc như thế làm gì, trong hoàn cảnh họ đã coi như lấy vé vào tranh chung kết? Thiên hạ chỉ trích Man City theo “tiêu chuẩn Pep” trong khi chính Pep bây giờ - dù muốn hay không - đã phải quên đi lý tưởng về bóng đá đẹp của chính mình để hướng đến hiệu quả, thực tế. Cũng vậy, trong lúc thiên hạ bình luận như thể tìm ra chân lý, rằng thắng Man City bây giờ không phải là điều khó khăn, thì Pep có thể đang cười thầm: “Cứ thắng, miễn sao chúng tôi đi tiếp”!
Ngay từ đội hình xuất phát đã cho thấy Pep không còn ham hố những hình ảnh mẫu mực rồi. Rodrigo và Ilkay Guendogan đá cặp tiền vệ trung tâm, phía sau Kevin De Bruyne và Bernardo Silva. Ở hai cánh là Raheem Sterling và Riyad Mahrez. Trung phong là Sergio Aguero. Nếu gọi đấy là sơ đồ 3-4-3 thì quá kỳ dị, bởi 4 tiền vệ đứng theo... hình vuông. Gọi là 3-2-4-1 có vẻ hợp lý hơn.
Nhưng tóm lại, cũng quá lạ lẫm khi Man City bày trận như thế. Tất nhiên, Pep đâu có điên khi xếp nhiều cầu thủ vào vị trí không phải sở trường, dùng đội hình “lạ”, với những hệ lụy nhãn tiền, từ tỷ số đến lối chơi.
Thử nghiệm thôi, nhưng thử nghiệm điều gì thì đấy là việc của Pep. Vấn đề chẳng phải là M.U đã thắng, và nếu đội khách thắng thêm 1 bàn thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bóng đá không đơn giản như vậy. Trên thực tế, sự vững chắc (chung cuộc) của Man City luôn là điều khó bàn cãi. Điều quan trọng nhất trong tâm trí của Pep Guardiola bây giờ chỉ là làm sao vượt qua Real Madrid trong các trận đấu sắp tới tại Champions League. Tất nhiên, ông đã phải trả giá phần nào khi hướng tới những thực tế quan trọng sắp tới: hy sinh sự kiêu hãnh lâu nay.
Guardiola “mất giá”? Pep Guardiola liệu có cảm giác “mất giá” khi Man City của ông lại thua một M.U của Ole Gunnar Solskjaer mà ai cũng biết là chưa bao giờ có uy tín đáng kể trong nghề huấn luyện? Thật bất ngờ khi Solskjaer giờ đã trở thành HLV đầu tiên trong thời “hậu Ferguson” dẫn dắt M.U thắng liền 2 trận trên sân Etihad của Man City. Solskjaer cũng sánh vai Juergen Klopp và Jose Mourinho trong hàng ngũ hiếm hoi các HLV từng thắng 2 trận liên tiếp trên sân một đội do Pep dẫn dắt. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo