Thể thao

Man City vs Chelsea: Thời gian là thứ Potter thèm khát có được như Pep Guardiola

Cùng xây dựng đội bóng trên triết lý kiểm soát, chuyền ngắn và tổ chức tấn công chủ động nhưng Graham Potter chưa bao giờ coi mình là “Pep Guardiola của người Anh”. Với HLV sinh năm 1975, bài học lớn Pep để lại cho các HLV dẫn dắt đội bóng lớn, là làm cách nào thuyết phục giới chủ cho mình thời gian.

Ten Hag bị yêu cầu 'ngậm miệng' sau giải thích kỳ quặc về Ronaldo / Tottenham hưởng lợi từ chuyên gia 'bóng chết'

Man City vs Chelsea: Thời gian là thứ Potter thèm khát có được như Pep Guardiola
Ẩn ý của Potter

Khi Chelsea trải qua trận đấu tệ hại nhất trên nhiều phương diện trong nhiều năm qua ở trận derby London với Arsenal, Potter đã lấy ví dụ của Mikel Arteta để mô tả về “bản chất bóng đá”. Chỉ đơn giản là nhìn lại thời điểm này một năm về trước, Arsenal tiến bộ vượt bậc. Sự tiến bộ ấy không tự nhiên sinh ra, mà là kết quả của quá trình dài các cầu thủ, cộng sự và cả giới chủ thẩm thấu tư tưởng Arteta đề ra.

Bây giờ, lại phải đặt câu hỏi: Tại sao Arteta được lòng nhà Kroenke? Vì Arteta là cựu cầu thủ, cựu đội trưởng? Không hẳn. Fredrik Ljungberg thậm chí còn là huyền thoại, nhưng chưa từng được trao cơ hội nghiêm túc tại đội một Arsenal.

Arteta sớm từ bỏ cuộc sống của cầu thủ để chuyển qua nghiệp huấn luyện, sau khi Pep Guardiola tới Anh gây dựng đế chế. Kỹ năng gọi vốn và thuyết phục chủ đầu tư của Pep đã được thừa nhận rộng rãi, công khai trong giới bóng đá, tới mức người ta tin rằng Pep được BTC World Cup 2022 trả cho số tiền lên tới 20 triệu usd để làm công việc của cố vấn chuyên môn.

Nếu để ý, Pep chưa từng thực sự “hoàn thành nhiệm vụ” ở Bayern và Man City, nhưng chẳng những không ai dám đặt nghi ngờ về tương lai của HLV này mà bất kỳ đội bóng nào, cũng luôn ở tâm thế mời gọi, đưa rước Pep. 9 năm qua, Pep đã tiêu đâu đó 1,3 tỷ bảng ở Munich và Manchester nhưng không vô địch nổi Champions League.

Các nhà đầu tư tại Đức và Anh mời Pep để xưng vương cấp châu lục, chứ không phải để vô địch hệ thống quốc nội bởi vốn dĩ, cả Bayern và Man City đều không cần một HLV tầm cỡ nếu mục tiêu của họ là các giải đấu trong nước. Nói Potter “ghen tỵ” với Arteta, nhưng thực chất là đang “đánh tiếng” về trường hợp của Pep.

HLV Graham Potter (trái) có xuất phát điểm hoàn toàn khác với Pep Guardiola

HLV Graham Potter (trái) có xuất phát điểm hoàn toàn khác với Pep Guardiola

Tất nhiên, Potter phải chịu trách nhiệm cho màn trình diễn bạc nhược tại Stamford Bridge ba ngày trước. Chelsea phạm lỗi tới 20 lần, thống kê nhiều thứ hai trong khuôn khổ các trận đấu Premier League mùa này. Chỉ số bàn thắng kỳ vọng của họ là 0,26, bằng… 1/9 thống kê của Arsenal. Chưa bao giờ, Arsenal dễ đá tới thế trong một lần làm khách ở Stamford Bridge và giả như Potter đang ở triều đại Abramovich, ông thậm chí còn đối diện nguy cơ mất việc.

Nhưng Potter mới đang bước vào tuần lễ thứ 9 làm việc ở Cobham và rõ ràng, câu chuyện chỉ vừa mới bắt đầu. Dục tốc bất đạt chưa bao giờ là tính cách của Potter, nếu biết rõ quá khứ của ông.

Tự vấn là một kỹ năng quan trọng của Pep Guardiola

Pep Guardiola đã nhiều lần rơi vào trạng thái sụp đổ trong 6 năm qua nhưng với bản tính điềm đạm và sức chịu đựng (hay có thể hiểu là nhẫn nhịn) trau dồi qua năm tháng, Pep luôn bước qua giai đoạn khó khăn nhất. Đấy là thứ Graham Potter cần phát huy ở thời điểm này, ở giai đoạn chuyển giao nhạy cảm, nhập nhằng và dễ phát sinh biến số.

Gọi là “phát huy” chứ không phải “học” bắt nguồn từ sự thật: Potter là mẫu HLV có tố chất và kinh nghiệm “tự vấn”. Hẳn tất cả đều nắm rõ tiểu sử của Potter, một giáo viên thể chất yêu bóng đá, đầu tư học cao và sang Thuỵ Điển xa xôi gây dựng sự nghiệp. Có điều, ít ai chú ý Potter từng có năm đầu tiên khó khăn ra sao khi nhận việc tại Brighton.

 

Khi trả lời phỏng vấn tờ Telegraph vào tháng 8/2020, Potter nói rằng mùa đầu tiên ở Premier League chính là khoảng thời gian khó khăn nhất trong “cuộc đời” ông. 8 trận đầu tiên cầm quân, Brighton của Potter chỉ thắng 1. Hết lượt đi, họ thắng vỏn vẹn 4 trận. Ngay trước khi Covid-19 bùng phát, mẹ ông qua đời sau hai năm chống chọi căn bệnh suy giảm trí nhớ. 4 tháng sau, làn sóng đầu tiên của đại dịch càn quét châu Âu và cướp đi người bố của Potter.

Gia đình bất ổn, công việc bấp bênh và tương lai mờ mịt nhưng đấy chưa phải điều tồi tệ nhất. Cái khó của một người ở hoàn cảnh tương tự, là không thể lấy lý do gia đình nguỵ biện cho công việc, dù thực tế công việc sa sút chính vì tác động ngoại cảnh đó!

“Tóm lại là tôi muốn gì? Tôi luôn tự hỏi bản thân điều ấy”, suy nghĩ cứ văng vẳng trong tâm trí Potter. Để rồi trong trận đấu đầu tiên sau 3 tháng tạm hoãn vì Covid-19, Brighton đánh bại Arsenal 2-1, mở đường cho sự nghiệp lên như diều gặp gió của Potter tất cả đang chứng kiến.

“Bạn cần thời gian, cần lòng tin của nhà đầu tư và trên tất cả, bạn cần kiên nhẫn với chính bản thân”, Potter từng nói như vậy với FourFourTwo. Gặp Man City ở hoàn cảnh này tuy là thử thách, nhưng lại là phép thử với chính năng lực của Potter lúc này.

Potter thích cả Pep lẫn… Mourinho

 

Cảm mến Pep vì trường phái bóng đá nhưng trả lời Manchester Evening News, Potter thú nhận Jose Mourinho là nhà tư tưởng bóng đá có ảnh hưởng sâu sắc tới ông. “Ngày xưa, người ta có định kiến xấu về khả năng thích nghi của HLV mang quốc tịch Anh. Rồi tôi chợt nhớ về Mourinho, người tới Anh và thay đổi toàn bộ sắc thái chiến thuật 4-4-2 khô khan tại đây. Ông ấy truyền cảm hứng cho tôi”, Potter tiết lộ.

Clip các bàn thắng đẹp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm